Nhập siêu 3 tỷ USD từ Thái Lan sau 8 tháng
Là một trong những bạn hàng lớn nhất của ta tại khu vưc ASEAN, nhiều năm nay, nước ta NS khá lớn từ Thái Lan. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là NS từ Thái Lan có nguyên nhân do nhập khẩu (NK) nhiều hàng tiêu dùng, trong đó không ít mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Bà Lê Hoàng Oanh - Phụ trách Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) - thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch NK từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, NS 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Năm nhóm mặt hàng NK lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).
Nguyên nhân khiến NS từ Thái Lan, theo bà Lê Hoàng Oanh, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) vẫn NK từ Thái Lan như điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất… Trong năm 2016, riêng tổng kim ngạch của 4 nhóm mặt hàng NK lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, linh kiện phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, rau quả đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch NK từ Thái Lan.
Riêng rau quả, 8 tháng đầu năm 2017, NK rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch NK rau quả nói chung. Trong đó Việt Nam NK nhiều mặt hàng như đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều... Trong khi đó, Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức NK vào thị trường Thái Lan.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, nhiều mặt hàng NK từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết. Cho đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế NK đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018.
Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group mở hệ thống phân phối tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để DN Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Chưa kể, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin thêm, do có tiềm lực về tài chính, Chính phủ Thái Lan dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam. Hàng năm có khoảng 12 - 20 hội chợ hàng Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan, Hiệp hội DN Thái, DN tư nhân của Việt Nam với quy mô 100-300 gian hàng. Trong khi đó, DN Việt Nam chưa mặn mà trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - thẳng thắn: “Cơ cấu hàng hóa của ta giống với Thái Lan, tại sao bạn XK sang ta nhiều mà ta XK ít? Các cam kết giảm thuế từ ATIGA giúp giảm thuế hàng hóa từ Thái Lan sang Việt Nam, nhưng cũng giảm thuế hàng hóa ngược lại. Vậy nguyên nhân không phải do thuế mà do sức cạnh tranh của ta còn kém”.
Việt Nam nhập khẩu khá nhiều hàng tiêu dùng từ Thái Lan (Ảnh: Cấn Dũng) |
Quan trọng là nâng cao sức cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập, NK hàng hóa từ nước ngoài là điều không tránh khỏi. Để giảm bớt tình trạng này, theo các chuyên gia, điều cốt yếu nhất là phải nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa XK, tăng XK sang Thái Lan để giảm NS.
Cụ thể, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, ta hoàn toàn có thể áp thuế hoặc các hàng rào để hạn chế NK nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Giải pháp bền vững là phải dùng chính hàng rào đó để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK.
Đồng ý kiến, ông Bùi Huy Sơn chỉ rõ thêm: “Phải đặt vấn đề tăng XK sang Thái Lan chứ không phải giảm NK, bởi thực tế ta vẫn phải NK nhiều mặt hàng từ Thái Lan để phục vụ sản xuất. Do đó, cốt lõi là phải nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng XK, từ đó dần cân bằng cán cân thương mại”.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý NK theo quy định để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm NK từ Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường. Bên cạnh đó đề nghị hệ thống siêu thị do DN Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để tổ chức tuần hàng Việt Nam và hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam. Đặc biệt, tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như các chương trình tuyên truyền, cổ vũ dùng hàng nội địa khác cho người tiêu dùng…
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, tại thị trường trong nước, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt và có được niềm tin của người tiêu dùng, chính các DN Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành thấp để có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan. Riêng đối với nông sản, trái cây, cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và DN sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế…
Nhằm giảm NS từ Thái Lan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Cục, Vụ rà soát lại các văn bản pháp lý và thể chế trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu với Thái Lan, từ đó phát hiện những tồn tại, bất cập để sửa đổi. Phải xây dựng được những chiến lược xuất nhập khẩu cụ thể theo từng năm, chi tiết thông tin về thị trường, từ đó giúp ích thiết thực cho DN.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh:“Hiện nay ta đã tổ chức khá nhiều các tuần hàng Việt Nam tại các siêu thị Thái Lan nhưng nếu hàng hóa của ta cạnh tranh kém, họ không thể vì nể mà cứ đưa hàng của ta vào siêu thị được. Chỉ giảm NS và XK sang Thái Lan bền vững nếu hàng hóa của ta đủ sức cạnh tranh”.
Phương Lan
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn