Trước hàng loạt những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP về ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT, sáng nay (26/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán sẽ nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Đặc biệt, đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc, thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của các nước liên quan đến vấn đề này.
Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có động thái ngừng nhập khẩu xe vào Việt Nam như Honda và Toyota từ tháng 10/2017. Sau đó lần lượt là các hãng xe Ford, Nissan và Mitsubishi cũng thông báo tạm dừng.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có đơn kiến nghị lần 4 vào giữa tháng 12/2017, mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, các kiến nghị này chưa được chấp thuận.
Đến đầu năm 2018, Bộ GTVT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Việc ban hành Thông tư này từng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định là “ban hành hơi chậm cho nên các nhà nhập khẩu không biết xử lý việc đó như thế nào”.
Cùng với đó, dù được kỳ vọng sẽ “cởi nút” cho những vướng mắc của doanh nghiệp từ Nghị định 116, tuy nhiên, Thông tư 03 lại tiếp tục nhận được phản hồi trái ngược từ nhiều doanh nghiệp.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan đã phản ánh phần nào những khó khăn này của doanh nghiệp. Đơn cử, số liệu thống kê trong tuần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (16/2 - 22/2/2018) chỉ có 1 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Số liệu thống kê hải quan ghi nhận không có xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, ô tô chuyên dụng được đăng kí mở tờ khai nhập khẩu trong dịp lễ này.
Trước đó, trong tháng 1/2018, lượng xe nhập khẩu về thị trường Việt Nam ước khoảng 1.000 chiếc xe nguyên chiếc, giảm 14 lần so với tháng trước đó và khoảng 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận của PV, đa số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phản ánh gặp vướng mắc với ba vấn đề. Thứ nhất là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Thứ hai, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu. Thứ ba, quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ôtô.
Mặc dù, Người phát ngôn Chính phủ đã có những giải đáp về ba vấn đề này tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/2 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề được cho là đang trong quá trình bàn thảo và xem xét. “Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ ngành, chúng ta hết sức xem xét để làm sao bảo đảm yêu cầu của Chính phủ, đó là bảo đảm sản xuất trong nước, nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế mà chúng ta đã cam kết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cuộc họp sáng nay (ngày 26/2) có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại Châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô.
Giải đáp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/2/2018 về Nghị định 116/2017/NĐ-CP về ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT: Vấn đề thứ nhất, là cấp giấy chứng nhận phù hợp. Đây không phải là giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà là cơ quan hiệp hội có thẩm quyền. “Ngay cả hãng người ta sẵn sàng cấp một giấy chứng nhận cho một nhà nhập khẩu của hãng, rồi hiệp hội tùy nước đó sẽ quyết định để chứng nhận xe này là xe có nguồn gốc do 1 nhà sản xuất, để bảo đảm chất lượng, có giá trị, có trách nhiệm phải triệu hồi những xe đó nếu trong quá trình sản xuất có lỗi, để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng”, ông Dũng nêu. Vấn đề thứ hai, liên quan tới vấn đề kiểm tra từng lô, đây là vấn đề đang xem xét. Lý do là theo Nghị định 116, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm rất nhiều chi phí và thời gian kiểm định xe. Rõ ràng, khách hàng sẽ phải gánh chịu khoản phí này khi doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận. Vấn đề thứ ba, là vấn đề đường thử, ở đây là áp dụng cho các nhà sản xuất là có đường thử, tức là trước khi đưa ra thị trường lưu hành thì có thử. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây không phải rào cản hay hàng rào kỹ thuật và nước nào cũng sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. “Sở dĩ tại sao có việc như vậy, vì vừa qua một lô xe BMW về cảng Việt Nam. Khi các cơ quan chức năng phát hiện ra vấn đề liên quan tới thủ tục, xuất xứ của lô xe và thấy rằng lô xe đã qua sử dụng, do các nhà nhập khẩu làm những động tác gì đó mà người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Không phải là sản phẩm mới, nhưng qua kỹ thuật gì đó để xử lý tạo ra sản phẩm như vậy thì chúng ta thấy bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó các cơ quan chức năng cũng đang xử lý vấn đề này”,Bộ trưởng nói. |
Thy Hằng
Nguồn tin: enternews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn