Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 6/2017 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố cho hay sản lượng cao su ước đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4% trong khi diện tích giảm 1%.
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 6 năm 2017 đạt 100 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan cho biết chỉ tính riêng kỳ 1 tháng 6/2017, xuất khẩu cao su Việt Nam tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 33.324 tấn lên 49.999 tấn, nâng tổng lượng cao su kể từ đầu năm đạt 411.960 tấn. Điều này kéo theo giá trị xuất khẩu cao su tăng 38,1% từ mức gần 487 triệu USD lên mức 787,5 triệu USD. Các thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó Trung Quốc tiêu thụ hơn 61% lượng cao su xuất khẩu Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, ước tính khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 6/2017 đạt 42 nghìn tấn với giá trị đạt 90 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2017 lên 244 nghìn tấn và 543 triệu USD, tăng 25,2% về khối lượng và tăng 78,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan nhập khẩu cao su Việt Nam kỳ I năm 2016 cũng tăng 13,9% từ mức 18.011 tấn lên 20.931 tấn. Tổng lượng cao su nhập khẩu kể từ đầu năm đạt 223.477 tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nhập khẩu cao su đạt 498,1 triệu USD tăng 46,1%.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hầu hết lượng cao su nhập khẩu là dùng để tái xuất khẩu, số ít còn lại phục vụ nhu của các công ty sản xuất lốp xe. Sản phẩm cao su nhập khẩu được các công ty ưa chuộng hầu hết là TSR 10 và TSR 20. Tuy nhiên, sản lượng loại cao su này rất ít do giá thành rẻ. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết lượng cao su SVR 10 và SVR 20 chỉ chiếm từ 15-17% nhu cầu nội địa trong khi nhu cầu thực tế lên tới 65-70%.
Nguyên nhân là do các nhà sản xuất nguyên liệu thô trong nước chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm cao su chất lượng cao như SVR3L, SVR-CV 50 và SVR-CV 60 mà ít khi để ý các sản phẩm giá rẻ như SVR10 và 20.
Theo số liệu 5 tháng đầu năm, bốn thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 56% thị phần. Trong 5 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia và thị trường Nga (đều tăng 2,8 lần).
Trong 6 tháng đầu năm, giá cao su nguyên liệu trong nước khá mạnh, với mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tăng 2.700 VND/kg, từ 10.300 VND/kg lên 13.000 VND/kg.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết trong tuần cuối cùng tháng 5, giá cao su thế giới liên tục giảm dẫn đến Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) hạ dự báo nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2017.
Theo đó, ANRPC hạ dự báo nguồn cung cao su năm 2017 giảm xuống 12,756 triệu tấn giảm 15.000 tấn so với mức dự báo trước đó. ANRPC còn quan ngại sản lượng cao su sẽ còn giảm hơn nữa do tần suất người dân lấy mủ giảm sau đợt lao dốc giá mạnh hồi cuối tháng 5.