Cuối năm vẫn có tin mừng
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 12, XK rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 11 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 75,7%, 3,7%, 2,9%, và 2,5%. Cùng thời gian, các thị trường có giá trị XK rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (70,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (57,4%) và Trung Quốc (54,9%)
Nhìn lại “bức tranh” XK suốt một năm qua, dễ thấy những tín hiệu lạc quan cứ nối tiếp nhau. Không chỉ đẩy mạnh XK sang các thị trường truyền thống với hàng loạt mặt hàng quen thuộc, điểm đáng lưu ý là Việt Nam đã thúc đẩy XK nhiều mặt hàng mới sang thị trường khó tính. Điểm xuyết có thể kể đến như, vào cuối tháng 6, lô xoài đầu tiên chiếu xạ tại phía Bắc được trồng tại Sơn La đã chính thức XK sang thị trường Australia. Dù lượng XK chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu vui nhằm mở ra triển vọng để khai thác tiềm năng cho ngành hàng hoa quả tại các tỉnh phía Bắc.
Mới đây nhất, ngày 26/12, lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã được XK sang thị trường Hoa Kỳ. Vú sữa trở thành trái cây thứ 5 của Việt Nam được XK sang Hoa Kỳ bên cạnh thanh long, nhãn, chôm chôm, vải. Dự kiến, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để XK chính thức xoài sang Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiện nay, Australia, New Zealand và Hoa Kỳ là một số nước có quy định về kiểm dịch thực vật thuộc diện ngặt nghèo nhất thế giới. Điều đó có nghĩa, khi hoa quả đã XK được sang Australia, Hoa Kỳ sẽ tạo được thương hiệu, uy tín lớn trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội XK mới cho Việt Nam vào hầu hết thị trường khó tính khác.
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá: Thời gian qua, mặc dù kim ngạch XK mặt hàng rau quả liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 30%/năm, song điều đáng mừng là cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam không nhận được thông tin nào phản hồi từ các thị trường XK liên quan tới các vấn đề về vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát dịch hại. Điều này cho thấy khâu tổ chức, giám sát sản xuất trong nước cũng đang từng ngày được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn so với nhiều năm trước đây.
Tập trung vào chế biến sâu
Nhìn nhận ở một quá trình dài hơi hơn chứ không chỉ riêng trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Với sự tăng trưởng XK trong 5 năm gần đây, rau quả nói chung, đặc biệt là trái cây đã cùng với các mặt hàng truyền thống khác như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu khẳng định vị thế và uy tín của nông sản trên thị trường thế giới. Việt Nam có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để thúc đẩy XK ngành hàng này. Tuy nhiên, sản xuất trái cây Việt Nam hiện đang phải đối diện với 2 thách thức lớn. Thứ nhất là sự cạnh tranh thương mại giữa các nươc và rào cản kỹ thuật từ các nước NK, đặc biệt là yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng cao. Thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ hơn, trong đó Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Liên quan tới câu chuyện phát triển vững bền ngành rau quả, ông Nguyễn Hữu Đạt- Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ quan điểm: Trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, các DN cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng rau quả, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, một trong những điểm cần lưu ý là phải hoạch định tính toán rõ ràng, từng bước đầu tư vào chế biến sâu. Đây là giải pháp giúp nâng cao giá trị gia tăng cũng như ổn định nguồn hàng hóa XK quanh năm. Đồng quan điểm, đại diện một số DN trực tiếp XK trái cây cho hay: Trái cây chế biến có thể làm tăng giá trị gấp từ 10-20 lần so với trái cây tươi. Khi XK một loại trái cây tươi nào đó, DN chỉ có thể lựa chọn 40-50% những trái có mẫu mã đẹp, đồng đều nhất để XK. Tuy nhiên, nếu đưa vào chế biến, DN sẽ khai thác được toàn bộ lượng rau quả tươi còn lại.
Để thúc đẩy ngành hàng rau quả nói chung, trái cây nói riêng phát triển bền vững, thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường XK; tiếp tục phối hợp với các địa phương và DN xây dựng mã số vùng trồng phục vụ XK cây ăn trái. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng phải cập nhật, phổ biến rộng rãi cho các địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh về các rào cản kỹ thuật, cảnh báo các hoạt chất đã không được các thị trường NK trái cây chấp nhận...
Nguồn tin: www.baohaiquan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn