background

Nhiều ngành hàng XK tỷ USD khấp khởi với CPTPP

Thứ tư - 28/03/2018 13:46
 Không chỉ giúp nhiều ngành hàng XK tỷ USD thúc đẩy XK trong nội khối mà Hiệp định CPTPP còn được chính “người trong cuộc” nhìn nhận là cơ hội tốt để các ngành hàng nâng cao vị thế, thậm chí thúc đẩy XK hàng hóa sang các quốc gia lớn ngoài CPTPP.
Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Ảnh: Nguyễn Thanh.
Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Tăng trưởng khả quan

Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay: Trong những năm tới, ngành dệt may xác định, nếu không có Hiệp định CPTPP thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK trên 3 tỷ USD hết sức khó khăn. Trái lại, khi Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, dệt may Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng về kim ngạch XK khoảng 3-3,5 tỷ USD/năm.

“CPTPP có những thị trường đầy tiềm năng cho ngành dệt may như Australia, Canada. Đây là 2 thị trường sử dụng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần XK của dệt may Việt Nam tại các thị trường này còn khá khiêm tốn”, ông Trường nói.

Ngoài dệt may, Hiệp định CPTPP cũng đem lại những thuận lợi đáng kể cho ngành da giày. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO): Khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, cơ hội để DN XK da giày tăng tỷ trọng tại các thị trường như Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada, Nhật Bản... khá lớn. “Ví dụ, với Nhật Bản, hiện đây là một trong những thị trường chủ lực của ngành XK da giày, túi xách của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm. Nếu DN biết tận dụng các điều khoản tích cực từ Hiệp định CPTPP, tăng trưởng XK sẽ còn cao hơn. Với thị trường Canada, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngay lập tức thuế NK da giày, túi xách được áp ở mức 0%. Đây là cơ hội tốt để các DN tiếp cận sâu thêm thị trường này”, bà Xuân cho hay.

Không đưa ra con số định lượng cụ thể như dệt may, da giày, ở ngành thủy sản, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Hiệp định CPTPP đem lại khá nhiều lợi ích tổng thể cho DN chế biến, XK thủy sản. Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã XK khá nhiều vào thị trường 11 nước trong CPTPP. Trong đó, Nhật Bản là đối tác lớn nhất. “Hiện, giữa Việt Nam-Nhật Bản đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, kết hợp với Hiệp định CPTPP thì rõ ràng sẽ tạo điều kiện để thủy sản Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường này. Ngoài ra, một số thị trường khác trong CPTPP cũng sẽ trở thành những thị trường tiềm năng hơn cho thủy sản Việt Nam”, ông Hòe nhấn mạnh.

Vươn ra thị trường ngoài khối

Trên thực tế, với Hiệp định CPTPP, lợi ích về thuế quan để thúc đẩy XK hàng hóa sang các nước trong nội khối chỉ là một phần. Các DN nhìn nhận, cơ hội còn đến từ việc có thể hợp sức để thúc đẩy XK sang các quốc gia ngoài CPTPP.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe phân tích: Với sự hội nhập cao, Hiệp định CPTPP tạo điều kiện cho các bên hội nhập rõ ràng hơn, đồng thời xác định vị thế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên trường quốc tế. Ngoài thúc đẩy XK nội khối, các ngành hàng trong các nước tham gia Hiệp định CPTPP còn có thể hợp sức để XK thêm.

“Ví dụ, DN NK nguyên liệu từ các nước trong nội khối, sau đó gia công, sử dụng các lợi thế về chế biến để XK hàng hóa vào các thị trường khác. Với ngành thủy sản, hầu như XK vào các thị trường thuế đã về 0% nên Hiệp định CPTPP không hẳn đem lại lợi ích về mặt thuế quan. Có thể nói rằng, Hiệp định CPTPP là động lực để tạo ra được những cơ hội làm cho ngành thủy sản hoàn thiện, bảo đảm được khả năng cạnh tranh cũng như các yếu tố liên quan. Đặc biệt, trong đó có các vấn đề như an toàn vệ sinh thực phảm, môi trường, trách nhiệm xã hội… Trên cơ sở đó, ngành thủy sản có khả năng tiếp cận các thị trường lớn, bên ngoài CPTPP”, ông Hòe nói.

Cơ hội mở ra rộng lớn, song làm sao để gia tăng sức cạnh tranh, tận dụng tốt điều đó? Đáp lại câu hỏi này, ông Lê Tiến Trường cho hay: Giải pháp cơ bản của ngành dệt may vẫn là phải tiếp tục có chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất. Dệt may Việt Nam không đi theo hướng nhận đơn hàng giá rẻ nhất mà đi theo hướng giá hợp lý nhất với sự đòi hỏi về tay nghề, kỹ thuật cao. Để làm được điều này, mấu chốt là đầu tư đúng công nghệ, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước từng khâu trong sản xuất của ngành.

Mấu chốt để các ngành hàng, DN tận dụng tốt nhất cơ hội từ Hiệp định CPTPP,  cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nâng cao nhận thức, phổ biến các nội dung cụ thể của Hiệp định CPTPP để hiệp hội, DN kịp thời nắm bắt, xây dựng kế hoạch hợp lý.


Thanh Nguyễn

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây