Điểm sáng thị trường Mỹ Chiều 19/1, tại TPHCM, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 và đưa ra kế hoạch cho năm 2017. Theo nhận định của VASEP, năm 2016 là một năm không phải quá khó khăn cho toàn ngành như dự báo ban đầu. Điều này được thể hiện khi giá trị xuất khẩu cả năm không giảm mà còn tăng so với năm 2015.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2016, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 161 thị trường, kim ngạch đạt 7,053 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm 2015. So với các mặt hàng khác, tôm vẫn là mặt hàng mang về ngoại tệ lớn nhất với 3,13 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương 44% giá trị xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thủy sản trong cả năm.
Hầu như giá trị xuất khẩu tôm đều tăng ở các thị trường. Tại thị trường Mỹ giá trị xuất khẩu tôm ước đạt 729 triệu USD, tăng 11% so với năm 2015, giá trị xuất sang EU là 598 triệu USD, tăng 9% và xuất sang Nhật Bản là 590 triệu USD, tăng 1%, thị trường Trung Quốc ước đạt 431 triệu USD, tăng 23%, Hàn Quốc là 271 triệu USD, tăng 8% so với năm 2015.
Với cá tra, giá trị xuất khẩu cả năm 2016 ước đạt 1,67 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2015, tương đương 24% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Thị trường Mỹ nhập khẩu lượng cá tra trị giá 366 triệu USD, tăng 16% so với năm 2015 và chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng cá tra.
Bên cạnh đó, mặt hàng cá ngừ sau 3 năm sụt giảm, năm 2016 ghi nhận sự tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm 2015 với giá trị thu về là 500 triệu USD, trong đó, Mỹ vẫn dẫn đầu về nhu cầu nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam với giá trị 200 triệu USD. Mực và bạch tuộc cũng mang về cho Việt Nam 440 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, theo VASEP, ở một khía cạnh khác, sự sụt giảm của thị trường EU với mặt hàng cá tra, sản phẩm mực, bạch tuộc ở thị trường Hàn Quốc là một trong những điểm tối trong bức tranh toàn cảnh của ngành thủy sản trong năm 2016.
Năm 2017 có thách thức nhưng vẫn tăng trưởng
Theo ông Hòe những thách thức của ngành thủy sản Việt Nam trong năm nay là giá thành sản xuất nguyên liệu của nước ta còn cao. Ngành nuôi tôm và một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam trong so sánh với các ngành tương tự tại Ấn Độ, Thái Lan cho thấy giá thành sản xuất còn cao hơn những nước này từ 10-30%. Những yếu tố tạo giá thành sản phẩm cao được VASEP liệt kê như con giống, thức ăn, các vật tư đầu vào, tổn thất sau thu hoạch, điện-nước, các chi phí hành chính...
Ngoài ra, một thách thức nữa được VASEP nêu ra trong hội nghị lần này là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản, nhất là các loại cá nước ngọt. Do đó, trong năm nay, vấn đề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích, sản lượng thủy sản nói chung.
Thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Ông Hòe cho biết, nhờ ký các hiệp định thương mại, thủy sản Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, một trong những vấn đề “treo lơ lửng” đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt như chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ đang và sẽ được tăng cường.
Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là com tôm sẽ chịu sự cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu tôm trong khu vực và Nam Mỹ. Còn với cá tra, ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến truyền thông tại mốt số thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một loạt những vấn đề sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản trong năm 2017.
Tuy vậy, theo ông Hòe, năm 2017, dù có những khó khăn nêu trên nhưng vẫn là năm mà giá trị xuất khẩu thủy sản được dự đoán là tiếp tục tăng trưởng. VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản của cả năm sẽ vào khoảng 7,4 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2016 một khi doanh nghiệp thủy sản tận dụng được các cơ hội, lợi thế của ngành để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.