Bản báo cáo mới được công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Việt Nam vẫn còn đang đi từng bước rất chậm trong khi cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0 đang quét nhanh trên toàn thế giới và đưa các nền kinh tế khác tiến đi nhanh hơn.
Cụ thể, trong bản báo cáo có tên “Readiness for the Future of Production Report 2018” – tạm dịch là Những quốc gia sẵn sàng nhất cho nền sản xuất tương lai”, WEF chỉ đưa 25 quốc gia vào vị trí sẵn sàng cao nhất cho cuộc các mạng công nghiệp 4.0. Đa số những quốc gia này nằm ở châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực Đông Á, bao gồm Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Trong số 100 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 77 về nguồn nhân lực, 90 về công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền và 77 về năng lực sáng tạo.
Với những vị trí được xếp hạng đó, Việt Nam là một trong những quốc gia yếu kém để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0. Hay nói một cách khác, Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng gì để bắt kịp tiến độ của cuộc cách mạng 4.0
Nguy cơ tụt hậu
Không phải đến tận bây giờ mà những cảnh báo về nguy cơ tụt hậu trong cuộc cách mạng 4.0 đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo từ khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên một tổ chức uy tín thế giới đưa ra một bản báo cáo xếp hạng cho thấy nguy cơ rõ nét hơn mà Việt Nam phải đối mặt. Trong khu vực Đông Nam Á, sự sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 của Việt Nam thâm chí chỉ được xếp ngang hàng với Campuchia và Lào. Trong khi đó, Malaysia và Singapore đã nằm trong nhóm 25 quốc gia sẵn sàng nhất cho cuộc cách mạng này.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước hiện tại đã bị lép vế trước sự thâm nhập của các công ty nước ngoài ở trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, các công ty Việt Nam vẫn chưa thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia.
Lấy Samsung là ví dụ, một trong những tập đoàn được cho là đang dẫn đầu cuộc cách mạng 4.0 này đang coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất lớn nhất trên thế giới. Nhưng số lượng các doanh nghiệp trong nước tham gia vào mới chỉ hơn 200 doanh nghiệp, trong số đó chỉ có gần 30 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1.
Một nghiên cứu của đại học Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới.
Ông Bùi Đức Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, nhận định rằng đổi mới sáng tạo đang nổi lên như là nhân tố chen chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia. “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu họ có chiến lược và đối sách đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sẽ không có một hình mẫu chung về sự đổi mới sáng tạo cho tất cả, mà mỗi quốc gia phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, của từng vùng và từng địa phương, của từng lĩnh vực,” ông Hùng nói.
Bởi những lúng túng... tự thân
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại là rất nhiều, khi năng lực mới, nhu cầu mới và những phương thức sản xuất mới được áp dụng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng những thách thức cách mạng 4.0 tạo ra là chưa từng thấy. Và các doanh nghiệp Việt sẽ đứng trước câu hỏi sẽ thay đổi để tồn tại hay là bị thâu tóm, lép vế.
Tuy nhiên, trong khi những làn sóng từ cuộc cách mạng 4.0 liên tục vỗ vào Việt Nam, thì một số doanh nghiệp dường như lại có tư tưởng bảo thủ, tìm cách chống lại và đẩy lùi những đợt sóng đó thay vì phải hòa theo xu hướng và bắt lấy những cơ hội mới. Khi Grab và Uber tiến vào Việt Nam, hai tập đoàn đại diện có thể được coi là đại diện cho cách mạng công nghệ 4.0 này đã gặp ngay phải sự phản đối gắt gao của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh và Vinasun. Thay vì phải thay đổi để cạnh tranh, bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, các hãng taxi truyền thống đã liên tục lên tiếng phản đối sự có mặt của Grab và Uber, mà đỉnh điểm của sự phản đối đó là việc Vinasun đã kiện Grab ra tòa với lý do gây thiệt hại cho công ty này.
Tất nhiên, việc xử vụ kiện này như thế nào lại là câu hỏi khó với cả tòa án, buộc tòa phải tạm dừng phiên xét xử để thu thấp thêm tài liệu. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải vẫn lúng túng chưa biết định danh được Grab và Uber vào loại hình kinh doanh nào.
Điều đó càng thể hiện rõ rằng Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 và vẫn còn rất lúng túng khi tiếp nhận cuộc cách mạng này.
Ninh kiều
Nguồn tin: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn