Đây là thông tin hết sức đáng chú ý liên quan đến hoạt động xuất khẩu của nước ta vừa được Tổng cục Hải quan thông tin.
Dựa vào số liệu của cơ quan Hải quan cho thấy, tính đến 15/5, ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỷ USD, tăng tới 2,8 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng lên đến 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả trên đã giúp ngành hàng này có sự bứt phá ngoạn mục vượt qua dệt may (cùng thời điểm mới đạt 8,27 tỷ USD) để trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta sau mặt hàng điện thoại và linh kiện. Và ngành hàng này cũng được xem là một trong số ít các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vừa qua.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hầu hết rơi vào tay các doanh nghiệp FDI.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng Thống kê hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết, sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng này là máy tính bảng của Tập đoàn Samsung (hiện có các nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh và Thái Nguyên-PV)
Liên quan đến những tín hiệu lạc quan trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng trên, từ ngày 15/5, phóng viên Báo Hải quan đã liên hệ để trao đổi những thông tin liên quan với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), nhưng đến hôm nay 19/5 chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Hiệp hội.
Một cán bộ Văn phòng của VEIA cho biết, do lãnh đạo Hiệp hội đều là lãnh đạo các doanh nghiệp kiêm nhiệm nên giai đoạn hiện nay đang tập trung vào kỳ Đại hội cổ đông và chưa thể phản hồi thông tin cho Báo Hải quan. “Sản máy vi tính xuất khẩu hiện do các doanh nghiệp FDI thực hiện, doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu linh kiện, nhưng kim ngạch cũng không nhiều”- vị cán bộ này trao đổi thêm.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, theo thông tin mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan (hết tháng 4/2017) cho thấy thị trường xuất khẩu mặt hàng này rất đa dạng ở hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt 1,792 tỷ USD. Ngoài ra, hết tháng 4, có 10 thị trường khác đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Một số thị trường đáng chú ý có thể kể đến như Hoa Kỳ đạt 817 triệu USD; Hà Lan 611 triệu USD; Hàn Quốc 568 triệu USD; Hồng Kông 523 triệu USD…
Như vậy, sau nhiều năm nắm giữ vị trí số một về xuất khẩu của nước ta, ngành hàng dệt may đã bị điện thoại và linh kiện “soán” ngôi (năm 2013) và đến nay lại tiếp tục bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm vị trí thứ hai. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các mặt hàng điện tử công nghệ cao rõ ràng việc giành lại vị trí của mặt hàng truyền thống dệt may là gần như không thể. |
Nguồn tin: Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn