background

VITAS và CCI: Khẳng định mối quan hệ tương hỗ

Thứ năm - 05/10/2017 15:41
Việc hợp tác chặt chẽ cùng Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm dệt may vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch VITAS - xung quanh vấn đề này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Xin ông cho biết tình hình XK hàng dệt may vào thị trường Mỹ trong thời gian qua và triển vọng sắp tới?

Trong thời gian gần đây, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có áp lực từ thuế chống bán phá giá sợi của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) và cả ngành dệt may, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn ngành đã XK được 19,8 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 66% kế hoạch XK cả năm. Dự kiến, năm 2017, toàn ngành sẽ XK từ 30 - 30,5 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch. 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS

Theo đánh giá, kể từ khi gia nhập WTO, ngành dệt may Việt Nam đã giữ ổn định tăng trưởng XK vào Mỹ từ 12 - 18%/năm, thậm chí có năm tăng trưởng tới 24%. Với đà này, đến năm 2030 dự kiến XK vào Mỹ sẽ đạt khoảng 65 – 70 tỷ USD. 

Hiện tại, Việt Nam đang XK sang Mỹ các sản phẩm dệt may được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ (lượng bông Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 58% tổng nhu cầu bông của Việt Nam) - điều này khẳng định mối quan hệ tương hỗ qua lại giữa hai bên có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. 

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mối quan hệ tương hỗ qua lại giữa ngành dệt may Việt Nam với các DN của Mỹ?

Tôi cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của ngành bông Mỹ và ngược lại ngành bông Mỹ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến ngành dệt may Việt Nam. 

Hiện, chúng ta đang phải nhập khẩu 99,6% lượng bông để sản xuất các sản phẩm sợi, cotton cao cấp và các sợi pha. Lượng bông nhập khẩu tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ 150.000 tấn năm 2005 lên khoảng 1,2 triệu tấn trong năm 2016. Trong đó bông Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn. 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 808.000 tấn bông, trị giá 1,47 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và gần 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bông Mỹ chiếm 60%, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của bông Mỹ tại Việt Nam.

Ngược lại, hàng dệt may XK vào Mỹ cũng tăng mạnh chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam có chiến lược phối hợp với CCI để tăng cường nhập khẩu sản phẩm bông Mỹ kéo sợi, nhuộm và XK sợi, sản phẩm dệt may vào Mỹ. Đó là lý do quan hệ và cơ chế 2 bên gắn kết chặt chẽ với nhau vì giữa các nhà sản xuất bông và người tiêu dùng Mỹ vẫn sử dụng sản phẩm mà nguyên liệu đầu vào do nông dân Mỹ trồng.

Việc hợp tác chặt chẽ giữa VITAS và CCI mang lại thuận lợi gì cho hai bên, thưa ông?

Trong những năm qua, CCI và VITAS luôn gắn kết giữa cộng đồng DN, các nhà sản xuất, các nhà thương mại của Mỹ với các nhà sản xuất sợi nhuộm hoàn tất của Việt Nam. Họ có chính sách tạo điều kiện để DN hai bên hợp tác tốt và tăng trưởng XK dệt may Việt Nam vào Mỹ luôn ổn định. Trong sự hợp tác này, hai bên đều có lợi. 

Gần đây nhất, Ngày hội Cotton Day 2017 được CCI và VITAS phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh - là nơi giao lưu giữa các DN ngành dệt may với các đối tác, nhà cung cấp và những chuyên gia trong ngành bông. Đây là dịp để các nhãn hàng thời trang, brand name của Việt Nam, các DN Việt chưa XK vào Mỹ có cơ hội tiếp xúc với các DN, nhà mua hàng Mỹ để tìm kiếm cơ hội hợp tác. 

Sự kiện cũng nhằm để CCI đánh giá tầm quan trọng, vị thế của ngành dệt may Việt Nam. Từ đó sớm có kiến nghị với Chính phủ Mỹ có cơ chế chính sách đặc thù cho ngành bông Mỹ giúp DN ngành kéo sợi Việt Nam rút ngắn thời gian mua hàng và giảm chi phí tiếp cận với sản phẩm bông Mỹ. 

Hai bên sẽ làm gì để gia tăng sử dụng bông Mỹ cho DN Việt và đẩy mạnh XK sản phẩm dệt may Việt Nam vào Mỹ?

Đến thời điểm hiện tại Việt Nam và Mỹ đã có 3 lần làm việc nhưng vẫn chưa có hiệp định song phương nên hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian tới. Chúng tôi đã có kiến nghị với CCI và Chính phủ Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ sớm cho phép xây dựng kho ngoại quan ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng để DN Việt Nam có thời gian mua hàng ngắn hơn. Qua đó, giúp DN giảm thiểu chi phí, nâng sức cạnh tranh cho hàng XK và tránh những rủi ro trong các hợp đồng thương mại. 

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây