Ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoán EU tại Việt Nam cho rằng, những thành tựu về kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua chứng tỏ những cải cách mà Chính phủ Việt Nam áp dụng đã phát huy tác dụng và trên hết, nó đang hỗ trợ tích cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, khát vọng trở thành một thành viên hội hập toàn diện vào hệ thống kinh tế quốc tế đang dần trở thành hiện thực.
Với tỷ lệ lạm phát luôn được duy trì ở mức một con số cùng với đó là các chính sách vĩ mô được triển khai hợp lý, môi trường đầu tư kinh doanh tốt đang trở thành điểm cộng trong mắt nhà đầu tư, đây cũng chính là nguyên nhân giúp nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam liên tục đạt mức cao trong những năm qua.
Ông Bruno Angelet khẳng định, nhu cầu tìm hiểu về thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư châu Âu đang rất lớn, số vốn đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam cũng liên tục tăng, trong tương lai EU mong muốn sẽ trở thành đối tác đầu tư số 1 tại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt nam (EVFTA) mà hai bên đã hoàn tất việc ký kết sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2018.
Những cải thiện về cơ chế, chính sách đang giúp Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhưng theo các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, những vấn đề về hệ thống hành chính, các chính sách pháp lý liên quan đến các ngành, liên ngành vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp cần phải khắc phục.
Theo nhóm khảo sát của EuroCham, điều khiến đa số các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng nhất khi tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam đó là hệ thống hành chính. Việc khai báo thuế, thông quan, đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính vẫn còn khá chậm, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được. Những trở ngại trên khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực mà đáng lẽ có thể sử dụng để tập trung phát triển hoạt động kinh doanh trọng tâm của mình.
Bà Đỗ Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần của EuroCham cho biết, mặc dù đã có Thông báo số 451/TB-VPCP về việc tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (đặc biệt là 73 nhóm tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg) để sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm được sửa đổi hoàn thiện. Hay quy trình kiểm tra các thiết bị đã qua sử dụng còn phức tạp và làm phát sinh thêm chi phí vận tải cho các nhà nhập khẩu…
Theo bà Thủy, Chính phủ và các Bộ, ngành phải tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội DN trong nước cũng như ngoài nước để cập nhật tình hình, trên cơ sở đó có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Về vấn đề thuế, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và chuyển giá của EuroCham cho rằng, hiện Việt Nam đã ký kết 75 hiệp định về thuế với các nước nhưng trong thực tế, các công ty nước ngoài và cá nhân rất khó vận dụng những lợi ích của các hiệp định về thuế tại Việt Nam. Theo quy định, hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo hiệp định cần được thông báo trước với cơ quan thuế địa phương. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không yêu cầu bất kỳ trả lời chính thức hay xác nhận để được cấp. Với những bất cập như vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc trong việc chọn Việt Nam là địa điểm kinh doanh bởi họ sẽ không có được lợi ích gì từ các hiệp định như thế này.
Mặc dù vẫn còn những tồn tại trong việc tạo lập môi trường đầu tư nhưng theo EuroCham, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực, nắm bắt các điều kiện cần thiết để duy trì mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Với đa số các nhà đầu tư nước ngoài, sự phát triển tích cực của nền kinh tế cùng với các điều kiện nền tảng thuận lợi của Việt Nam sẽ là những yếu tố quan trọng để thu hút họ.
Lương Tuấn