Xin ông cho biết tình hình xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Peru những năm gần đây?
Tình hình xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Peru những năm gần đây không ngừng tăng lên. Trong đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Peru. Cụ thể, năm 2015 là 395 triệu USD, trong đó Việt Nam XK đạt 321 triệu USD và năm 2016 là 450 triệu USD, trong đó Việt Nam XK đạt 357 triệu USD.
Peru XK sang Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản... trong khi Việt Nam XK sang Peru chủ yếu là các mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử, giày dệt đế cao su hoặc nhựa, xi măng Portland, máy móc kỹ thuật...
Không chỉ các DN lớn, hiện có rất nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam đã XK sang Peru. Bên cạnh đó, rất nhiều DN Peru cũng tìm hiểu thông tin XK sang thị trường Việt Nam. Qua đó có thể thấy, dù khoảng cách địa lý giữa Việt Nam - Peru khá xa, nhưng DN hai nước rất chịu khó tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Đoàn Việt Dũng, Cố vấn thương mại Đại sứ quán Peru tại Việt Nam |
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng XK của các DN Việt Nam sang thị trường Peru và đâu là những mặt hàng tiềm năng khi XK vào thị trường này?
Theo tôi, đây là thị trường XK triển vọng của DN Việt Nam, bởi Peru là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực Nam Mỹ. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Peru đạt 3,9%. Nhu cầu tiêu dùng nội địa của quốc gia này cũng tăng mạnh, năm 2016 tăng 0,9%; dự kiến năm 2017 tăng khoảng 3,3%; năm 2018 là 3,7%.
Những mặt hàng tiềm năng cho DN Việt Nam XK vào thị trường Peru có thể kể đến như xi măng, linh kiện điện tử và máy móc kỹ thuật.
Ông có lưu ý gì cho DN Việt Nam khi XK sang Peru?
Trước khi XK hàng hóa, DN Việt Nam nên mở các gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm tại Peru. Đây là cách để DN quảng bá sản phẩm và xem phản ứng của người tiêu dùng. Đặc biệt, các DN Việt Nam cần lưu ý 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, xem sản phẩm XK có đáp ứng các điều kiện về đặc tính và cần có thêm các giấy phép đặc biệt gì không?. Vì tại Peru, rất nhiều sản phẩm khi nhập khẩu về phải đáp ứng các điều kiện và cần có giấy phép đồng ý của một cơ quan quản lý nào đó. Thứ hai, tìm hiểu kỹ thị trường và có sự so sánh về giá cả. Ví dụ, cùng một sản phẩm giống như của DN đang sản xuất, có chất lượng tương đương, nhưng tại thị trường Peru bán giá như thế nào. Vì khi XK một lô hàng sang Peru, DN phải chịu rất nhiều chi phí, trong đó lớn nhất là phí vận chuyển, các chi phí sẽ được cộng vào giá thành, nếu giá thành không cạnh tranh được thì rất khó để DN xâm nhập thị trường. Thứ ba, để có được những thông tin thiết thực, hữu ích về thị trường Peru, DN Việt Nam nên tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh, như liên hệ trực tiếp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hoặc Đại sứ quán Peru tại Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ thông tin cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hòa - Việt Nga thực hiện
Nguồn tin: Báo Công Thương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn