Tiềm năng thị trường lớn
Dự báo của tổ chức nghiên cứu IBISWorld cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2021, doanh thu rau quả chế biến được dự báo sẽ tăng đến 3,3%/năm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này cũng dự báo doanh thu của rau quả chế biến trên thế giới dự báo sẽ đạt 317,1 tỷ USD vào năm 2021.
Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tín hiệu của thị trường thế giới về mặt hàng ra củ quả sẽ là căn cứ cho định hướng sản xuất thời gian tới.
Thực tế kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam có sự tăng trưởng ẩn tượng liên tục trong thời gian qua. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng trên 40% so với năm 2016; trong 7 tháng đầu năm nay, ngành rau củ quả đạt 2,29 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và dự kiến cả năm nay sẽ đạt 4 tỷ USD.
Ông Thành dẫn chứng ngành rau- củ-quả thế giới năm 2015 đã đạt doanh thu gần 250 tỉ USD, trong đó, mặt hàng tươi chiếm 63% và hàng chế biến là 37%. Với Việt Nam, theo ông Thành, trong nước có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chế biến rau- củ- quả và đặc biệt dư địa để phát triển của ngành hàng này còn lớn.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, so với mức tiêu thụ mấy trăm tỷ USD của thế giới thì giá trị kim ngạch của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu của thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để ngành rau quả Việt phát triển, doanh nghiệp (DN) nên đẩy mạnh sản xuất rau quả chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên 10 - 20 lần so với xuất khẩu tươi như hiện nay, từ đó đưa kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể lên tới 5 tỷ USD/năm trong những năm tới.
Tăng cường chế biến sâu và liên kết nông dân để tăng giá trị
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, khâu chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của mặt hàng rau quả, trái cây Việt Nam khi sản lượng của ngành này đạt tới 22 triệu tấn/năm, nhưng mới chế biến được 9%. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc đầu tư chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam.
Đón đầu xu hướng này đã có nhiều DN trong ngành rau quả Việt Nam mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ để có những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu.
Là công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu rau, củ, quả, trái cây (tươi và đông lạnh), ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood- cho biết, để mở rộng xuất khẩu, sau khi nhà máy sản xuất chế biến, đóng hộp sản phẩm trái cây tại Long An hoạt động ổn định, giữa năm 2017 Nhà máy Tanifood - một dự án đầu tiên của Lavifood tại tỉnh Tây Ninh đã được khởi công. Nhà máy Tanifood có diện tích gần 15 hecta với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng, sử dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật.
Theo ông Thắng, mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 là sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối… Hiện nay, các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD và đang có nhiều khách hàng lớn khác đạt hàng cho nhà máy. “Nhà máy đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng nông dân được mùa mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2”, ông Thắng cho biết thêm.
Được biết, cách làm hiện nay của Lavifood chính là liên kết 6 nhà theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu, sản xuất cây giống, nông cơ, phân bón, trồng và chế biến xuất khẩu chó đến tài chính. Để thực hiện kế hoạch này, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000 ha để tái cơ cấu cây trồng chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất. Hồi giữa tháng 12/2017, Lavifood đã ký với tỉnh Đồng Tháp xây dựng cụm nông nghiệp công nghệ cao. Tại cụm công nghiệp này, Lavifood sẽ có nhà máy chế biến, khu sản xuất phân bón, cây giống... Như vậy, sản phẩm của Lavifood sẽ "sạch" từ khâu giống cho đến trồng trọt, thu hoạch, chế biến.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng tin rằng, trong thời gian tới số lượng rau, củ, quả Việt Nam tiêu thụ tại các nước sẽ tăng vọt. Và khi nhiều doanh nghiệp cùng làm với quy mô lớn và bằng trái tim như Lavifood thì ngành rau, củ, quả Việt Nam sẽ có vị thế cao trên thế giới.
Dù chưa tạo được chuỗi giá trị khép kín lớn như Lavifood song Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) cũng đang thực hiện khá thành công việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao cho hàng trăm hộ nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận. Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty Trọng Đức- chia sẻ, ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô Trọng Đức đã tiến hành các công đoạn chế biến, chế biến sâu sản phẩm từ ca cao như sô cô la, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kể cả đi các thị trường khó tính như Nhật Bản. Tỉ lệ sản phẩm chế biến đạt khoảng 20% tổng sản lượng và mục tiêu năm 2018 sẽ đưa tỷ lệ này lên 40%.
Chế biến dừa xuất khẩu |
Hay với Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình (Long An) - một DN thành công trong xây dựng mô hình trồng chuối đạt chuẩn VietGAP trên diện tích lớn trên 200 hecta. Theo đơn vị này, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình xuất khẩu chuối khởi sắc hơn, bình quân 1 tháng, công ty xuất khẩu từ 500-1.000 tấn, trong đó, 40% xuất sang Nhật, 40% xuất sang Hàn Quốc, 12% sang Trung Quốc và 8% được tiêu thụ nội địa. Từ kinh nghiệm xuất khẩu chuối vào các thị trường khó tính, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An cho rằng, muốn vươn tầm thế giới DN nông nghiệp phải có quy mô sử dụng đất đai lớn hơn. Ví dụ để trồng chuối cần tối thiểu 100 ha, phải đầu nhà xưởng đóng gói, đường cáp tải chuối... Nếu làm chặt chẽ những quy định này, không chỉ mặt hàng chuối mà các loại nông sản khác sẽ vững tin vươn ra thị trường thế giới.
Có thể nói, nếu các DN ngành rau củ quả thực hiện bài bản và đầu tư cho chế biến sâu như những điển hình nêu trên thì trong tương lai không xa, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giớivươn tầm thế giới - đúng như đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho ngành nông nghiệp tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức tại Lâm Đồng vào cuối tháng 7/2018.
Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Công Thương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn