background

Hiệp định VPA/FLEGT: Đột phá xuất khẩu gỗ vào EU?

Thứ hai - 05/11/2018 09:48
Sau 6 năm đàm phán, mới đây, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU
Tham gia Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam có cách làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Ảnh: ST
Tham gia Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam có cách làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Ảnh: ST
Sau 6 năm đàm phán, mới đây, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã chính thức ký kết. Động thái này được nhận định sẽ mở ra cơ hội rất lớn thúc đẩy XK gỗ vào thị trường đầy tiềm năng này.

Xuất khẩu tăng gấp đôi

Ông Phạm Văn Điển-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Hiệp định VPA/FLEGT đã tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Tham gia Hiệp định, Việt Nam có cách làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Đây chính là yếu tố cấu thành giá trị ngành gỗ trong tương lai. Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp định này, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800USD/m3, song nếu áp dụng công nghệ cao giá thành sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm. Cuối cùng, Hiệp định VPA/FLEGT đem đến cho ngành gỗ Việt thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hàng, không lo bị ép giá.

Phân tích cụ thể hơn về tiềm năng tăng trưởng XK gỗ vào EU nhờ Hiệp định VPA/FLEGT, ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: Những năm gần đây, thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong  lĩnh vực XK gỗ và lâm sản. Đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các  thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU. 

Với riêng EU, đây được coi là thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt. Dễ thấy, việc ký Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ XK trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. "Tôi dự đoán trong vài năm nữa, kim ngạch XK gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD. Quan trọng hơn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ XK”, ông Quyền nhấn mạnh.

 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Giá trị XK lâm sản chính 10 tháng đầu năm ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD.
Thị trường XK chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch XK. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017.

 

 

Doanh nghiệp chủ động chuyên nghiệp hóa

Theo một số chuyên gia, dù mở ra nhiều cơ hội cho XK gỗ sang thị trường EU rộng lớn, song Hiệp định VPA/FLEGT cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành công nghiệp chế biến, XK gỗ. Khi Hiệp định này đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN, kể cả những DN không tham gia thị trường XK, bởi Hiệp định yêu cầu và đề cao rất rõ tính minh bạch của nguyên liệu gỗ. Đây là điều mà từ trước đến nay chỉ những DN tham gia XK mới cần quan tâm tới. Điều này đòi hỏi các DN phải sản xuất minh bạch hơn, tuân thủ đúng theo yêu cầu của Hiệp định.

Liên quan tới vấn đề khó khăn, thách thức đặt ra từ Hiệp định VPA/FLEGT, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay: Với VPA/FLEGT, 100% gỗ XK vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù DN dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay NK vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Như vậy, DN phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí. Tuy vậy, ông Quyền cũng khẳng định: “Đây là một đòi hỏi tất yếu của thị trường thế giới. Ví dụ ở Mỹ là Đạo luật Lacey Act cũng với nội dung tương tự VPA/FLEGT về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ. Bởi vậy, để giữ vững thị trường XK, bản thân các DN phải chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, công nhân để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đặt ra”, ông Quyền nói.

Nhằm tận dụng tốt cơ hội mở ra từ Hiệp định VPA/FLEGT, theo ông Phạm Văn Điển: “Chúng ta phải hành động, mà thực tế là đã hành động từ lâu. Một loạt công việc như hệ thống luật pháp có bước tiến, tiếp thu ý kiến cả trong và ngoài nước sao cho có lợi chung. Về việc hỗ trợ cho nông dân, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, sao cho thúc đẩy việc trồng rừng, sản xuất phát triển bền vững. Về nguồn gốc gỗ NK, chúng ta có NK gỗ từ Campuchia, Nam Phi, Cameroon nhưng đã giảm đi nhiều. NK gỗ từ Campuchia cũng giảm 3 -4 lần”.

Xung quanh câu chuyện thúc đẩy sản xuất, XK gỗ nói chung và XK vào thị trường EU nói riêng, ông Hà Sỹ Đồng- Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm: Trong năm 2017 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Có thể khẳng định đây là hành lang pháp lý giúp ngành sẽ có bước phát triển cao hơn, là cơ sở để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thấy rõ những thách thức, cơ hội khi tham gia hội nhập với ngành lâm nghiệp thế giới. “Thời gian tới, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT sẽ cụ thể hóa hơn nữa chính sách giao đất, khoán rừng với chủ hộ; đồng thời giúp các chủ rừng sớm có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững rừng (FSC) để làm tốt hơn nữa việc quản lý, nâng cao việc khai thác và sản xuất từ rừng; khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nhau để xây dựng chứng chỉ dựa trên sự liên doanh liên kết với nhau”, ông Đồng nói.

 

Bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển (CED):
Hiệp định VPA/FLEGT mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường khác ngoài EU
Việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT không chỉ giúp Việt Nam  mở rộng thị trường XK gỗ vào EU, mà còn có thể XK vào nhiều thị trường khác. Nói cách khác, Hiệp định sẽ có tác động kép.
Hiện nay, không chỉ riêng EU có quy chế về gỗ hợp pháp, mà Hoa Kỳ còn có Đạo luật Lacey trước cả EU. Tương tự, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã ban hành luật sử dụng gỗ sạch, hoặc gỗ bền vững. Trong các thị trường XK gỗ nhiều nhất hiện nay (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia) thì 5 thị trường đã có quy định, chỉ còn Trung Quốc là chưa. Do đó, khi Việt Nam đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, các bạn hàng Hoa Kỳ cũng rất trông chờ Việt Nam sẽ thực hiện được gì.
Khi thực hiện Hiệp định, hệ thống luật pháp của Việt Nam sẽ được cải thiện nhiều, từ đó không những sẽ mở rộng thị trường EU mà còn mở rộng ra nhiều thị trường khác, có tiềm năng tăng trưởng từ 10-15%. Một tin vui là ngay cả khi Hiệp định chưa ký, các đơn hàng đã tăng lên rất nhiều vì khách hàng tin tưởng Việt Nam đã có những cam kết thực hiện hiệp định, trong đó thị trường Hoa Kỳ là đối tác hết sức quan trọng. 

N.T

 

Thanh Nguyễn

 

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây