Giảm mạnh cả lượng lẫn giá trị
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, cả nước có 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ong Ý (Apis mellifera) và ong nội (Apis cerana cerana và Apis cerana indica). Trong khi đó, báo cáo của Hội Nuôi ong Việt Nam chỉ rõ: Đàn ong nội hiện có khoảng 200 nghìn đàn (chiếm 16,6%), ong ngoại 1 triệu đàn (chiếm 83,4%). Số lượng lao động trong ngành nuôi ong khoảng 30.000 người. Trong đó, người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.000 người (chiếm 20%). |
Ông Nguyễn Thanh Sơn thông tin thêm: Năm 2014, Việt Nam XK gần 50.000 tấn mật ong với giá trị XK đạt 150 triệu USD. Kết quả này giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 6 của thế giới và thứ 2 châu Á về XK mật ong. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, XK mật ong của Việt Nam giảm đáng kể cả về lượng lẫn giá trị, gây khó khăn không nhỏ cho người nuôi ong cũng như DN XK. Tính riêng trong năm 2017, Việt Nam chỉ XK được 39.000 tấn mật ong, thu về gần 70 triệu USD.
Ông Nguyễn Đăng Thơ-Hộ gia đình nuôi ong ngoại tại thị trấn nông trường Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: Năm 2015, gia đình ông Thơ nuôi 1.800 đàn ong ngoại với sản lượng mật cả năm đạt 108 tấn/năm. 6 tháng đầu năm 2015, giá bán mật ong XK đạt đỉnh điểm là 45.000 đồng/kg mật. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2015, XK bị đình trệ, giá cả giảm sâu chỉ còn 16.000 đồng/kg mật. Từ năm 2016-2018, sản lượng mật và giá mật XK liên tục giảm qua các năm và kéo dài cho đến hiện tại. Giá bán một số loại mật ong chỉ còn khoảng 12.000 đồng/kg. Mức giá này không đủ cho việc đầu tư và chi phí buộc gia đình ông Thơ giảm xuống 950 đàn.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Từ năm 2016 đến nay, ngành ong gặp khó khăn. Một trong những lý do là bởi, số liệu thống kê thấp hơn nhiều so với số liệu mật ong XK thực tế. Vì vậy, một số tổ chức, cá nhân cho rằng mật ong XK từ Việt Nam chủ yếu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số người nuôi ong còn chạy theo lợi nhuận, thời gian khai thác tùy tiện làm giảm chất lượng của mật ong…
Nuôi ong chuyên nghiệp
Liên quan tới câu chuyện XK mật ong, ông Đinh Quyết Tâm-Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho hay: Hiện nay, mật ong chủ yếu XK dưới dạng thô, thiếu thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, chất lượng mật ong XK ngày càng được các quốc gia kiểm tra chặt chẽ. "Để XK vào thị trường châu Âu, mật ong không được thêm bất cứ nguyên liệu thực phẩm nào cũng như các chất bổ sung nhân tạo. Mật ong không được phép có tạp chất, hương vị lạ, nhiễm bẩn trong quá trình chế biến và bảo quản; không được phép có biểu hiện lên men, không bị thay đổi độ axit bằng cách nhân tạo, không bị qua nhiệt. Ngoài ra, mật ong cũng bị kiểm soát gắt gao liên quan đến các chất tồn dư và nhiễm bẩn trong sản phẩm mật ong…", ông Tâm nói.
Để tháo gỡ những khó khăn trong XK mật ong, khôi phục lại vị thế, thậm chí thúc đẩy XK mạnh mẽ hơn nữa, ông Đinh Quyết Tâm cho rằng, cần có số liệu điều tra thống kê chính thức về đàn ong, số người nuôi, sản lượng, XK…; nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi ong trong thùng kế, sản xuất mật ong hữu cơ.
Đại diện Cục Chăn nuôi phân tích: Hạn chế lớn nhất của ngành mật ong Việt Nam hiện nay chính là khâu giống gốc đang rất yếu và thiếu. Các đàn ong giống gốc năng suất chưa được cải thiện, chưa có ong giống tốt cung cấp cho sản xuất, chưa có đề tài trọng điểm nghiên cứu để cải tạo chất lượng đàn ong. Thậm chí một số nơi, người dân còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao, qua đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng con giống và chất lượng mật ong. Để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng, giá trị mật ong của Việt Nam, vị đại diện này nhấn mạnh cần phải phát triển nghề nuôi ong theo hướng chuyên nghiệp, quy hoạch phát triển bền vững. Về con giống, mấu chốt là cần duy trì và cải thiện chất lượng đàn giống, tăng tỷ lệ giống ong ngoại từ 75% lên 80% vào năm 2020. Đặc biệt, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm ong tiến tới tương đương bộ tiêu chuẩn của EU, giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng và thú y được đánh giá là giải pháp cấp thiết đặt ra.
Xung quanh câu chuyện XK mật ong, một số chuyên gia nêu quan điểm: Song song với nâng cao chất lượng, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn cho mật ong Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu cho mật ong cũng cần được triển khai mạnh mẽ thông qua sự chung tay của cả DN nuôi ong, DN XK cũng như cơ quan quản lý.
Thanh Nguyễn
Nguồn tin: Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn