background

Thu phí cảng biển Hải Phòng: Doanh nghiệp đang chờ Chính phủ trả lời

Thứ sáu - 17/02/2017 11:17
 Việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển tại Hải Phòng vẫn chưa hết “nóng” khi ngày càng có nhiều hiệp hội, DN kiến nghị, yêu cầu HĐND, UBND TP. Hải Phòng nhanh chóng sửa đổi, nhằm tạo thuận lợi cho DN. 
Nhiều DN và Hiệp hội đã đến tham dự cuộc họp bàn thảo về việc thu phí cảng biển của Hải Phòng. Ảnh: H.Dịu
Nhiều DN và Hiệp hội đã đến tham dự cuộc họp bàn thảo về việc thu phí cảng biển của Hải Phòng. Ảnh: H.Dịu

Chính sách trái luật, phí chồng phí

Chiều ngày 13-2, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) đã tổ chức buổi họp giữa các DN và hiệp hội liên quan để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn trong vấn đề thu phí tại cảng biển Hải Phòng.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng thư ký VPSF cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và hiệp hội, VPSF thấy rằng chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của HĐND, UBND TP. Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái pháp luật, rất nhiều trình tự, thủ tục đã bị bỏ qua, không được thực hiện.

"Đặc biệt, phí mà Hải Phòng thu quá cao, có dấu hiệu phí chồng phí, thay vì chỉ bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí", bà Thủy nêu rõ. 

Cũng theo đại diện VPSF, tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội DN sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ. Không những thế, đối với các DN, điều này còn khiến chi phí hoạt động tăng thêm, ước tính, chi phí hành chính, lưu kho, bến bãi… sẽ khiến DN mất thêm hàng triệu USD/năm, chưa kể đến nhiều chi phí không lượng hóa được như phí đền bù hợp đồng do chậm trễ…

Nói về bất cập của chính sách thu phí của TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam nhận định, vấn đề này có nhiều điều không rõ ràng. Hải Phòng ghi là thu phí hạ tầng cảng biển nhưng đường cao tốc đến cảng biển đã có Nhà nước đầu tư và thu phí rồi thì phí mà Hải Phòng thu thực chất là gì? Hơn nữa, việc thu phí phải nằm trong đề án thu phí của Thành phố, nhưng đến nay, Bộ Tư pháp cho biết vẫn chưa nhận được đề án này, nên không rõ cơ sở tính toàn phí dựa vào đâu?

Gỡ khó cho DN

Chính vì những bất cập trên mà DN, nhất là DN XNK đang gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho hay, việc thu phí của Hải Phòng sẽ gây khó cho DN. Theo tính toán, DN khi đi làm thủ tục XNK sẽ phải mất thêm khoảng 90 phút, tăng thêm chi phí cho nhân công, đi lại.

“Theo khảo sát của VLA, có khoảng 19% DN được hỏi cho rằng, do làm thủ tục trả phí theo quy định của Hải Phòng mà hàng hóa phải lưu kho đến hôm sau mới làm được thủ tục thông quan. Điều này đã trái với các Nghị quyết 19 của Chính phủ về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”, ông Tương nêu rõ.

Đại diện cho các DN Nhật Bản, đại diện Hiệp hội này cho biết, tư khi có quyết định này, nhiều DN Nhật Bản bị “sốc”, vì chính sách này không theo thông lệ quốc tế. Chưa kể đến việc này còn kéo theo chi phí cao cho các DN, chỉ một đoạn đường ngắn từ cao tốc vào cảng Hải Phòng và DN mất tới 400.000 đồng cho một container 40ft, trong khi đi cả chuyến đường dài từ quốc gia này tới quốc gia kia cũng chỉ mất khoảng 4 triệu đồng.

Chính từ những thắc mắc trên, VPSF đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng để các bộ, ngành liên quan và chính địa phương tiến hành đánh giá, xem xét lại toàn bộ các quy định chứa đựng trong đó. Các cơ quan này sẽ phải làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý mà địa phương được quy định; đánh giá tác động của chính sách và quy định hành chính liên quan nhằm đảm bảo các quyết định của địa phương không tác động xấu và lớn tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh chung của cộng đồng DN cũng như các chính sách quan trọng của quốc gia.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tương đề xuất, bên cạnh kiến nghị của các DN và Hiệp hội, các bộ: Tài chính, Tư pháp cần có văn bản trả lời, để DN và Hiệp hội có cơ sở lý lẽ để tiếp tục làm việc với Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng. Các bộ này trả lời hợp lý thì DN chấp nhận, nhưng nếu chưa hợp lý thì vẫn phải tiếp tục kiến nghị, nếu cứ để các DN, Hiệp hội bàn với nhau thì vấn đề không được nhanh chóng giải quyết.

Trước tình hình trên, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và có thể có quyết định cuối cùng vào cuối tháng 2 này. Tuy nhiên, VPSF vẫn sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại chính sách trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về những vấn đề liên quan để tránh những hiện tượng tương tự, gây ảnh hưởng tới hoạt động DN.


Hương Dịu

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây