Thiếu chỗ đậu xe, nâng giá cao chót vót
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay trong phạm vi bán kính 500m tính từ trụ sở UBND TP.HCM có 59 công trình cao tầng có từ 1 đến 5 tầng hầm để xe. Trong đó, có 13 công trình phức hợp có 3 - 5 tầng hầm đậu xe. Cụ thể, tòa nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center… có tổng diện tích tầng hầm để xe là 205.549m². 46 công trình cao tầng có tầng hầm bố trí đậu xe có công suất nhỏ hơn nằm trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… với tổng diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 265.617m2. Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà thì có thể dành khoảng 20% (94.233m²) diện tích để đáp ứng nhu cầu đậu xe công cộng, ước khoảng 1.323 ô tô và 2.749 xe máy.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, UDND TP.HCM cũng cấp phép cho 25 tuyến đường khu trung tâm được đỗ dưới lòng đường có thu phí (khoảng hơn 1.000 chỗ đậu xe) và 22 tuyến đường không tổ chức cấm đỗ xe. Tuy nhiên, số lượng chỗ đỗ xe trên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện thành phố đang quản lý 7,8 triệu phương tiện, tăng đến hơn 60% so với năm 2010, cụ thể gồm hơn 615.000 xe ô tô và hơn 7,2 triệu xe máy. Trong đó, số lượng xe ô tô tăng lên nhanh chóng khi tổng số ô tô trong năm 2016 tăng 9,5% so với năm trước dẫn đến nhu cầu bến, bãi đậu xe gia tăng.
Sau hơn 2 tháng, ra quân quyết liệt lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè của chính quyền quận 1, các bãi giữ xe tự phát lấn chiếm vỉa hè đã bị thu hẹp và tình trạng đậu xe ô tô dưới lòng đường cũng được cải thiện rõ rệt. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc bãi giữ xe khu vực trung tâm TP.HCM vốn đã khan hiếm, nay lại thêm quá tải. Lợi dụng tình hình này, nhiều điểm giữ xe đẩy giá lên cao gấp 3-5 lần so với quy định.
Anh Nguyễn Ngọc Đức, nhà ở quận Thủ Đức chia sẻ: "Cuối tuần vợ chồng tôi hay cho con lên khu phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 chơi. Trước đây, xung quanh khu vực này có 4-5 chỗ gửi xe, nhưng từ khi có chiến dịch "đòi lại vỉa hè" các bãi xe đã bị co lại. Gần đó, các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (quận 1)... chỉ cho ô tô đỗ theo ngày chẵn, ngày lẻ khiến việc tìm chỗ gửi xe rất khó. Nhiều hôm tôi chạy lòng vòng quanh khu trung tâm mà chỗ nào cũng báo hết chỗ gửi xe. Tôi đành phải gửi tại bãi giữ xe ô tô trên đường Trần Hưng Đạo, cách đó hơn 1km rất bất tiện."
Chị Lê Thanh Huyền, ngụ tại quận Bình Tân cho biết: "Tối 25/3 vừa qua, chúng tôi gửi xe gắn máy tại bãi xe ở chung cư số 155 đường Bùi Viện, quận 1. Người đàn ông giữ xe đưa cho chúng tôi một vé gửi xe không ghi giá và báo giá là 20.000đ/lượt. Khi chúng tôi thắc mắc về mức giá gửi xe quá cao thì được người giữ xe cho biết, giá này áp dụng mấy ngày rồi, mấy chỗ gửi xe ở đây đều lấy giá là 20.000 đồng/xe hết. Bây giờ người ta không cho để xe trên vỉa hè nữa, phải đưa xe vào nhà, giá cao hơn là phải rồi. Không gửi đây thì tìm không ra chỗ nữa đâu".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như trước đây, đường Bùi Viện có đến gần chục điểm giữ xe gắn máy trên vỉa hè thì nay chỉ còn hai điểm giữ xe trong nhà. Chỗ giữ xe khan hiếm lại thường xuyên quá tải nên chủ các bãi giữ xe ở khu vực này đã đẩy giá lên cao. Tại một số bãi giữ xe khác nằm trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Đông Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, trong những ngày này, giá gửi xe cũng bị đẩy lên chót vót. Không chỉ thu tiền gửi theo lượt xe, nhiều điểm giữ xe còn thu tiền theo giờ với mức giá dao động từ 10.000 - 50.000đ/xe máy.
Tại cao ốc Kumho Asianna Plaza (đường Lê Duẩn, quận 1) cũng nhận giữ xe, giá giữ ôtô là 10.000 đồng/chiếc trong ba giờ đầu tiên, sau ba giờ giá sẽ là 100.000 đồng/chiếc. Nếu gửi qua đêm là 200.000 đồng/chiếc. Còn bãi giữ xe ở Saigon Center (góc Lê Lợi - Pasteur, quận 1) giá 20.000 đồng/xe trong ba giờ đầu tiên. Mỗi giờ tiếp theo (trong sáu giờ đầu) là 20.000 đồng, và sau đó là 40.000 đồng/giờ. Nếu gửi xe qua đêm giá 200.000 đồng/chiếc. Việc gửi xe vào các tòa nhà rất bất tiện, phải di chuyển xe lên xuống lại mất thời gian mà mức phí quá cao. Không chỉ vậy, một số bảo vệ tòa nhà cũng cho biết thời gian gần đây họ chỉ nhận giữ xe, cho ôtô đậu lại khi khách đến sử dụng dịch vụ bên trong tòa nhà và từ chối nhận xe khách bên ngoài vì bãi xe quá tải.
Bãi xe ngầm chậm tiến độ
Báo cáo tình hình đầu tư xây dựng bãi đậu xe, tại cuộc họp cuối tuần qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, diện tích dành cho hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) là 1.145,88 ha, trong đó chỉ tiêu bãi đậu ô tô 519,98 ha.
Trong đó, 4 dự án bãi đậu xe ngầm ở quận 1 đã có nhà đầu tư. Cụ thể, dự án xây dựng và khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư, công suất chứa 2.024 xe máy, 1.260 xe du lịch, 27 xe buýt, xe tải và xe minibus; tổng mức đầu tư 1.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư này không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án. Ở dự án bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, hiện đã hoàn chỉnh khâu thẩm định thiết kế kỹ thuật. Dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên Văn hóa Tao Đàn do Liên danh Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và Thể thao Sài Gòn làm chủ đầu tư, có tổng số chỗ đậu xe là 1.198 ô tô và 896 xe máy với tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng. Hiện nay dự án mới triển khai lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật. Liên danh Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và Thể thao Sài Gòn còn đầu tư Dự án xây dựng hầm đậu xe và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư. Tổng vốn đầu tư dự án 3.419 tỷ đồng. Dự án mới triển khai lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật.
Dự kiến, nhanh nhất năm 2019 các bãi xe ngầm này mới đi vào khai thác. Điều này đòi hỏi bài toán chỗ gửi xe cho người dân trở nên bức thiết, trong khi giải pháp sử dụng phương tiện công cộng thay thế phương tiện cá nhân hiện chưa hấp dẫn người dân.
Nguồn tin: Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn