background

VPA/FLEGT có hiệu lực: Gỗ vào EU không thể bứt phá ngay

Thứ hai - 27/05/2019 17:14
Chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6 tới, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) dù không ngay lập tức tạo ra sự bứt phá cho XK gỗ và sản phẩm gỗ, song về dài lâu sẽ mở ra nhiều cơ hội rộng mở, bền vững cho nhóm mặt hàng này vào thị trường EU đầy tiềm năng.
Trong vài năm tới, XK gỗ và sản phẩm gỗ vào EU có thể đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: N.Thanh.
Trong vài năm tới, XK gỗ và sản phẩm gỗ vào EU có thể đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: N.Thanh.

Không đổi thay trong ngắn hạn

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản là ngành hàng XK quan trọng của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua. Kim ngạch XK gỗ và lâm sản đã tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 9,3 tỷ USD vào năm 2018, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới. Về thị trường XK, đáng chú ý, EU là một trong năm thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Đánh giá về Hiệp định VPA/FLEGT, ông Bruno Angelet-Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội đưa ra dẫn chứng: Indonesia là quốc gia đầu tiên ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU năm 2016 và Ghana là quốc gia thứ 2. XK gỗ của Indonesia vào EU trong giai đoạn 2017 - 2019 đã tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định. Việt Nam là quốc gia thứ ba trên thế giới phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT. Trong khi Indonesia chỉ sản xuất gỗ bằng nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam hiện đang là nhà NK gỗ nguyên liệu từ 40 quốc gia khác. Bởi vậy, Việt Nam thuận lợi và triển vọng hơn rất nhiều so với Indonesia. "Ngoài ra, giữa Việt Nam và EU cũng đã ký hiệp định thương mại song phương về kinh tế, trong khi Indonesia thì chưa. Đây cũng là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong XK gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp vào thị trường EU", ông Bruno Angelet nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về việc thúc đẩy XK gỗ và lâm sản nhờ Hiệp định VPA/FLEGT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phân tích: 10 năm trước khi EU chưa có 28 quốc gia như hiện nay, EU chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng số khoảng 3,4 tỷ USD XK gỗ và lâm sản của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam XK gỗ và lâm sản đạt trên 9,3 tỷ USD, EU chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 15% nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên. "Tin tưởng rằng, VPA/FLEGT sẽ thúc đẩy thương mại gỗ, lâm sản giữa đôi bên. Đặc biệt, thương hiệu của đồ gỗ Việt Nam sẽ có uy tín cao hơn không chỉ tại thị trường EU mà còn trên toàn cầu", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Điều này có đồng nghĩa với việc gỗ và sản phẩm gỗ Việt sẽ rộng đường vào EU ngay từ ngày 1/6? Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá: Đây là điều không thể, bởi công tác chuẩn bị còn rất nhiều thứ. Dự kiến, phải tới cuối năm 2020, đầu năm 2021, giấy phép FLEGT cho gỗ XK từ Việt Nam vào EU mới bắt đầu được cấp. Như vậy, từ năm 2021, XK sản phẩm gỗ vào thị trường EU mới bắt đầu có sự bứt phá nhờ Hiệp định VPA/FLEGT.

Nhân đôi trong vài năm tới

Trong tương lai ngắn muốn nhìn thấy sự "thay da đổi thịt" trong "bức tranh" XK gỗ và sản phẩm gỗ vào EU là điều không thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng phân tích thêm: EU là thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt. Về lâu dài, việc ký Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ XK trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. "Dự đoán trong vài năm nữa, kim ngạch XK gỗ sang EU có thể sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD. Quan trọng hơn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ XK”, ông Quyền nói.

Xung quanh Hiệp định VPA/FLEGT, ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thông tin thêm: Nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU. Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định khi XK vào EU. Điều này có nghĩa là giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ mà hiện nay DN XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải nộp cho nhà NK EU để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT phối hợp với quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, theo đó nghiêm cấm việc NK, XK, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, bao gồm việc xây dựng Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. "Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. Các bên cũng nhất trí thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam–EU (JIC) để giám sát và đánh giá việc thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định, một quá trình có thể sẽ kéo dài trong vài năm", ông Trị nói.
Thanh Nguyễn

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây