Dự báo nguồn cung tăng
Trong đó, sản lượng robusta ước đạt 28 triệu bao và arabica đạt 1,3 triệu bao. Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới và nước sản xuất arabica lớn thứ 11 thế giới. Hiện tại, điều kiện thời tiết ở khu vực Tây Nguyên đang rất thuận lợi cho vụ cà phê tới đây, với lượng mưa đạt mức trung bình. Xét về nguồn cung, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo tăng 600.000 bao lên kỷ lục 29,9 triệu bao trong niên vụ 2018 - 2019. Trong đó, sản lượng robusta ước đạt 28,5 triệu bao và arabica ước đạt 1,4 triệu bao. Thời tiết trở nên mát mẻ hơn và mưa trái mùa ngay trước thời điểm ra hoa và kết quả đã giúp cây cà phê tăng trưởng thuận lợi hơn.
Mặc dù giá cà phê trong nước đang giảm sâu, người dân vẫn có đủ tài chính để mua nguyên liệu đầu vào cho vụ năm nay nhờ năm ngoái thắng lớn. Diện tích trồng cà phê dự báo tăng nhẹ so với năm ngoái, với gần 95% diện tích vẫn là robusta. Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, Nguyễn Viết Vinh, cho hay. “Vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về cụ cà phê 2018 – 2019, nhưng thời tiết đang rất ủng hộ cho quá trình ra quả hiện nay của cây cà phê”.
“Hoạt động mua bán vẫn diễn ra chậm chạp vì người nông dân không muốn bán ra ở mức giá dưới 37.000 đồng”, một thương lái ở Đắk Lắk cho biết. Theo giới thương lái, nguồn cung nội địa tại Việt Nam cũng khá hạn chế vì vụ thu hoạch năm ngoái không được như kỳ vọng. “Hiện tại, nông dân chỉ còn 10% sản lượng cà phê niên vụ 2017 – 2018. Trong khi đó, các công ty hiện nay đã xuất khẩu được gần 2/3 lượng cà phê tồn kho; số còn lại, các doanh nghiệp chờ khi nào được giá sẽ bán tiếp” - ông Phan Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết.
Tiêu thụ tăng
Tại thị trường nội địa, mức tiêu thụ cà phê có thể đạt kỷ lục 2,88 triệu bao trong niên vụ 2017 – 2018. Tồn kho cuối kỳ theo đó sẽ giảm còn khoảng 1 triệu bao, theo ước tính của USDA. Xét về xuất khẩu, USDA dự đoán Việt Nam sẽ xuất khẩu được 27,65 triệu bao trong niên vụ 2017 – 2018, tăng khoảng 100.000 bao so với niên vụ trước. Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã liên tiếp giảm trong tháng 4 và 5 về khối lượng. Trong nửa đầu tháng 6, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này đạt 81,974 nghìn tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu được 959.505 tấn cà phê, tăng 10.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê tính đến giữa tháng 6 chỉ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái do giá cà phê thế giới và trong nước giữ ở mức thấp.
Giá cả
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm. So với cuối năm 2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.100 – 1.200 đồng/kg. Giá cà phê giảm bởi sức ép dư cung lên thị trường cà phê toàn cầu. Tháng 4, thị trường cà phê biến động tăng 500 đồng/kg so với cuối quý I theo xu hướng thị trường thế giới. Giá cà phê tăng do người trồng cà phê Việt Nam có xu hướng giữ hàng không muốn bán ra. Tuy nhiên qua tháng 5, giá cà phê giảm xuống vùng giá thấp nhất trong gần hai tháng qua. Người trồng cà phê Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng bán cà phê ở mức giá hiện hành.
Xét về tiêu thụ nội địa, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng tiêu thụ cà phê lên kỷ lục 2,99 triệu bao trong niên vụ 2018 – 2019. Xét về xuất khẩu, Việt Nam dự báo sẽ bán ra thị trường thế giới 27,9 triệu bao, mức cao nhất kể từ niên vụ 2016 – 2017. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân ước tăng 200.000 bao lên 25,2 triệu bao. Tồn kho cuối kỳ theo đó vẫn tăng lên khoảng 1,2 triệu bao nhờ nguồn cung lớn. Xét về giá, trong dài hạn, giá cà phê giá cà phê có thể phục hồi lên mức 38.000 - 42.000 đồng/kg, theo ông Phan Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng trong khoảng tuần thứ ba của tháng 7, giá cà phê có thể bắt đầu tăng trở lại. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ cà phê các nước trong thời điểm giao mùa từ hè sang thu thường cao. Bên cạnh đó, giá cà phê của Việt Nam thường thấp hơn so với giá cà phê của Brazil, vì vậy, đây cũng có thể xem như một yếu tố kích thích nhu cầu cà phê trong nước.
Nguyễn Thanh