Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, thời gian tới cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, thương mại biên giới cần được đưa vào các hiệp định thương mại chính thức. Đây là nhận định đưa ra tại Hội thảo “Thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội.
Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hiện, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như nông lâm sản, gạo, sắn, cao su, rau quả, chè…; hàng thủy sản như tôm, cá da trơn…
Ông Bùi Đức Sơn, Công ty Cổ phần Vicimex cho biết, mặc dù hình thức xuất khẩu biên mậu có nhiều lợi thế, nhưng cũng còn tồn tại không ít bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Xuất khẩu qua biên giới nhưng nhiều lần hàng nông sản bị tắc nghẽn ở cửa khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp đang xuất khẩu ổn định một vài đơn hàng lại bị ách tắc. Quan trọng nhất là thông tin thị trường Trung Quốc, lộ trình cắt giảm thuế, đặc biệt là nông sản giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu”, ông Sơn đề xuất.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam đã vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 52,26 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm, nhưng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu theo chính ngạch. Thương mại biên giới vẫn cần có những giải pháp đẩy mạnh và hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn trong thời gian tới.
“Hai bên đã tiến tới thúc đẩy xuất khẩu theo chính ngạch nhiều hơn. Kể cả xuất khẩu theo thương mại biên giới cũng sẽ được đưa vào trong các hiệp định thương mại chính thức để hai bên có cơ sở pháp lý và hạ tầng để thúc đẩy giao thương qua biên giới cũng trở thành chính thức, chính ngạch. Chúng tôi mở văn phòng xúc tiến thương mại ở các địa phương tại Trung Quốc, để đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này”, ông Lang khẳng định.
Doanh nghiệp Việt Nam cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc để xác minh thực lực và uy tín của doanh nghiệp nhập khẩu, thực hiện giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc; tăng cường tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường./.
Nguồn tin: Việt Hà/VOV-Trung tâm tin