Nhờ những thuận lợi từ ưu đãi thuế trong Hiệp định Tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN (hầu hết thuế nhóm hàng nông, thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đã về mức 0%) cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía chính quyền, hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1.755,65 triệu USD năm 2016 (tăng 45% so cùng với năm 2015) và đạt 405 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2017, chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn.
Tuy nhiên, dù đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở ở Lạng Sơn như ưu tiên thông quan trước, kéo dài thời gian phục vụ thông quan trong ngày... nhưng phía Trung Quốc vẫn quản lý nhập khẩu có điều kiện với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, mỗi cửa khẩu lại vận dụng các cơ chế khác nhau… nên doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên rơi vào thế bị động. Ngoài ra, điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng, bến bãi khu vực các cửa khẩu phụ, lối mở vẫn còn nhiều bất cập, các điểm thông quan còn hạn chế… cũng là những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu qua Lạng Sơn còn khó khăn.
Để cải thiện hiệu quả hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cho rằng, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi tới các cửa khẩu, đầu tư nâng cấp bến bãi, kho tàng, phương tiện bốc xếp phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu… Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tìm biện pháp tháo gỡ những trở ngại nhằm nâng cao khả năng thông quan, nhất là cải thiện khả năng thông quan hàng xuất khẩu Việt Nam qua các cửa khẩu phụ trên cơ sở phù hợp với các quy định và sự thống nhất của cả hai bên.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - cần phải tìm được đối tác tốt, tăng cường nắm bắt cơ chế, chính sách quản lý thương mại biên giới, nhất là chính sách phía Trung Quốc từ các nguồn tin cậy để chủ động kế hoạch kinh doanh. Hướng đi lâu dài, bền vững là nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, nâng cao kỹ năng kinh doanh quốc tế, từng bước chuẩn hóa các quan hệ mua - bán theo các thông lệ quốc tế… khi có đủ năng lực, điều kiện thì tổ chức xuất khẩu theo đường chính ngạch (thực hiện qua cửa khẩu quốc tế) là những cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay hầu hết vẫn đi theo đường tiểu ngạch và chủ yếu thực hiện tại 2 cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam, tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt trên 2,5 triệu tấn. |
Lan Ngọc
Nguồn tin: Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn