background

Xuất siêu: Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục

Thứ tư - 20/12/2017 09:14

Xuất siêu đã chính thức quay trở lại sau khi kết thúc nửa đầu tháng 10 và liên tục duy trì cho đến thời điểm này. Đây không phải là kết quả bất ngờ nếu so sánh với thành tích xuất nhập khẩu vài năm gần đây của nước ta, nhưng là điều đáng ghi nhận nếu nhìn lại khoảng thời gian từ đầu năm đến nay khi có những thời điểm ta đã nhập siêu tương đối lớn, vượt cả con số Quốc hội cho phép.

Cả nước xuất siêu 2,343 tỷ USD tính đến nửa đầu tháng 11
Cả nước xuất siêu 2,343 tỷ USD tính đến nửa đầu tháng 11

Vượt khó vì mục tiêu cân bằng cán cân thương mại

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15/11, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 365,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 183,863 tỷ USD, nhập khẩu (NK) đạt 181,62 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị xuất siêu của nước ta là 2,343 tỷ USD tính đến nửa đầu tháng 11.

Xuất siêu đã được duy trì liên tục từ tháng 10 đến nay, sau một thời gian dài nhập siêu. Trước đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết 10 tháng năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 346,54 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng trị giá XK đạt 174,55 tỷ USD, tăng 21,3% và tổng trị giá NK đạt 171,99 tỷ USD - tăng 21,6%. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng năm 2017 thặng dư 2,56 tỷ USD.

Đây được đánh giá là dấu hiệu đáng mừng và là cú lội ngược dòng bền bỉ, bởi liên tục trong 6 tháng đầu năm, nước ta nhập siêu kéo dài và tương đối mạnh. Trong đó, tính riêng 4 tháng đầu năm, nhập siêu đã đạt mức trên 4% tổng kim ngạch XK, cao hơn con số Quốc hội cho phép (không quá 3,5%) do các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung Display và các dự án trong nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Vietel)… liên tục giải ngân mạnh, dẫn đến nhu cầu NK máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại… tăng cao.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng, mức nhập siêu đã dần giảm kể từ đầu tháng 5. Xuất siêu cũng chính thức quay trở lại từ nửa cuối tháng 7 với con số 233 triệu USD và liên tục tăng cao đến nay. Tính đến nửa đầu tháng 10, cán cân thương mại cả nước đã chính thức chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu.

Trong đó, đáng chú ý có nhiều nhóm mặt hàng đạt được những thành công ấn tượng. Ví dụ, ngành thủy sản thời gian qua đã gặp phải không ít khó khăn như xu hướng bảo hộ tại Hoa Kỳ thông qua rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại, hay hiện tượng truyền thông bôi nhọ tại EU, gây bất lợi cho XK; XK thủy sản sang Trung Quốc tuy tăng trưởng mạnh nhưng chưa ổn định do phần lớn được xuất qua kênh tiểu ngạch; giá nguyên liệu cá tra và tôm trong nước tăng làm giá thành sản xuất cao, kém cạnh tranh so với các đối thủ khác; chất lượng thủy sản XK vẫn bị cảnh báo; hải sản bị phạt thẻ vàng IUU tại EU… Tuy nhiên, sau quý đầu tiên gặp nhiều khó khăn do kim ngạch XK suy giảm, bằng các giải pháp đa dạng hóa thị trường XK, minh bạch hóa chất lượng sản phẩm…, đến hết tháng 10, kim ngạch XK mặt hàng này ước đạt 6,79 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản.

Cũng theo Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của nước ta sau 10 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong năm 2017 và cũng cao hơn mức tăng trưởng 7% của cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, XK hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 92,4% mục tiêu kim ngạch 188 tỷ USD trong năm 2017.

Năm 2017 sẽ xuất siêu

Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt 210 tỷ USD, tăng khoảng 18,9%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt, là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như XK hàng hóa của Việt Nam.

Tăng trưởng XK của nước ta trong năm 2017 có nguyên nhân lớn do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu NK ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016; các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU tăng trưởng tốt đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu NK, thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đang được cải thiện. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Đồng thời, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Trong khi đó, kim ngạch NK hàng hóa được dự báo sẽ không có tăng trưởng đột biến bởi hầu hết các dự án yêu cầu giải ngân vốn đầu tư lớn đã hoàn thành. Một số dự án mới như đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù được giải ngân vốn cho NK thiết bị nhưng dự kiến cũng không khiến tổng kim ngạch NK cả nước tăng quá cao. Do đó, nếu không có biến động đột biến, dự kiến cán cân thương mại cả nước trong năm nay sẽ nghiêng về hướng xuất siêu. Từ đó góp phần quan trọng cho mục tiêu GDP đạt 6,7% trong năm nay, cũng như tạo đà cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Phương Lan

Nguồn tin: kinhtevn.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây