background

Xuất siêu đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế

Thứ tư - 29/11/2017 10:50
 Năm nay, dự kiến XK của Việt Nam sẽ đạt mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây. Bứt phá trong XK đem về kết quả xuất siêu, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng cũng như sự ổn định của nền kinh tế.
XK nông, thủy sản đóng góp đáng kể vào tăng trưởng XK năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thanh.
XK nông, thủy sản đóng góp đáng kể vào tăng trưởng XK năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Xuất siêu 1,23 tỷ USD

 

 

Bộ Công Thương dự báo: Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, với mức tăng trưởng khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD.

Mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như XK hàng hóa của Việt Nam. Để giúp tăng trưởng XK, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới…

 
Theo Bộ Công Thương, XK hàng hóa 10 tháng đầu năm ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khối DN FDI ước đạt 125,5 tỷ USD (tính cả dầu thô XK), tăng 22,1% so với cùng kỳ.

 

Về NK, 10 tháng đầu năm, tổng giá trị NK ước đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối DN trong nước ước đạt 64,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, khối DN FDI đạt 107,9 tỷ USD, tăng 29,2%. Như vậy, tính chung 10 tháng qua, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,23 tỷ USD.

Đi sâu phân tích mới thấy, với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đầu năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017 và cũng cao hơn 10 tháng năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch XK hàng hóa đã hoàn thành 92,4% mục tiêu XK 188 tỷ USD trong năm 2017.

10 tháng qua, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kim ngạch XK (tăng khoảng 14 tỷ USD so với 10 tháng năm 2016). Ngoài ra, nông, thủy sản cũng là mặt hàng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch XK thời gian qua. Cụ thể, XK nông, thủy sản 10 tháng đầu năm ước đạt 21,3 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch XK, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về tình hình xuất siêu của Việt Nam trong năm nay, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: XK từ trước tới nay luôn là điểm sáng của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Thông thường, tốc độ tăng trưởng XK gấp 2, có năm gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng chung. Năm nay, dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% nhưng XK phải tăng trên 20%. Từ đầu năm đến nay, XNK đều tăng, đặc biệt là XK tăng mạnh, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế để đạt con số 6,7%.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam xuất siêu là hiện tượng tích cực, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp ổn định cho kinh tế vĩ mô. Trong XK, đóng góp lớn là hàng điện tử và nông sản. “Khi điều kiện sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, việc XK được hàng nông sản với kim ngạch như hiện nay là điều đáng mừng. Thị trường XK nông sản vốn rất khắc nghiệt mà sản phẩm của Việt Nam vẫn XK được, chứng tỏ Việt Nam có những tiến bộ nổi trội trong tổ chức sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng chuẩn mực của thị trường khắt khe. Chúng ta phải xem đó như thành quả và cần được nâng lên”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Nâng cao năng lực nội địa

Có thể thấy trong năm nay, giá trị hàng hóa XK đạt được khá khả quan. “Trái ngọt” này là điều mà chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng không lường hết được. Tại sao XK hàng hóa có sự phục hồi, bứt phá đến vậy? Đáp lại câu hỏi này, một số chuyên gia cho rằng, đó là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu NK ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu NK và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.

Ngoài sự thuận lợi mang yếu tố khách quan từ thị trường, một trong những yếu tố thúc đẩy XK tăng mạnh là năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Xung quanh câu chuyện xuất siêu của Việt Nam trong năm nay, không ít ý kiến lại cho rằng, đừng mừng vui quá nhiều bởi, phần lớn giá trị XK vẫn rơi vào túi các DN FDI. Bên cạnh đó, dù có sự tăng trưởng XK đáng kể song nông, thủy sản vốn là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích: Đã là hàng nông, thủy sản thì ở quốc gia nào cũng rủi ro. Ngành chế biến lương thực thực phẩm nhiệt đới, nhất là ngành hàng rau quả là thế mạnh của Việt Nam. Đó có thể là dấu hiệu thể hiện lợi thế cạnh tranh. Những điểm như vậy nên coi là tích cực, cần nghiên cứu để nhân rộng nhiều hơn. Đối với các DN FDI, từ trước tới nay, việc XK của Việt Nam chủ yếu nhờ khối FDI đã không có gì lạ khi khối này chiếm đến 75% tổng kim ngạch XK. “Tuy nhiên, vấn đề không phải là tìm cách “dìm” các DN FDI xuống mà là nỗ lực để nâng DN nội địa lên thông triển khai tìm thế mạnh DN, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tận dụng được lợi thế cạnh tranh trong ngành nghề, sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế...”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

 

Theo Bộ Công Thương: 10 tháng đầu năm, các thị trường XK chính có mức tăng tương đối mạnh. Châu Á là thị trường truyền thống, ước XK 10 tháng đầu năm tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm tỷ trọng 51,5% tổng kim ngạch XK. Các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ. Cụ thể, thị trường châu Âu tăng 15,1%. Các nhà XK cần tiếp tục tận dụng các cam kết, ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường này. Thị trường châu Mỹ tăng 12,3%, chiếm tỷ trọng 24,6%. Thị trường châu Phi giảm 0,9%, chiếm tỷ trọng 1% và thị trường châu Đại Dương tăng 18,1%, chiếm tỷ trọng 1,8%.

Về NK, kim ngạch NK trong 10 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng 22%, cụ thể từ các thị trường như sau: Châu Á tăng 23,2% và chiếm 80,7% tổng kim ngạch NK của Việt Nam; châu Âu tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 6,8%, trong đó EU tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 5,8%; châu Mỹ tăng 10,6% và chiếm tỷ trọng 7,3%; châu Phi tăng 45,2% chiếm tỷ trọng 0,7%; châu Đại Dương tăng 28,4% chiếm tỷ trọng 1,7%...

Đức Quang
 

 

Nguồn tin: www.baohaiquan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây