Xuất siêu cao nhất trong 5 năm
Theo lịch công bố thông tin, phải đến ngày 9/10, Tổng cục Hải quan mới đưa ra con số thống kê sơ bộ về tình hình XNK tháng 9 dựa trên dữ liệu khai báo của DN. Tuy nhiên, mới đây, dựa vào kết quả XNK 15 ngày đầu tháng 9 và các yếu tố khác như tốc độ, quy luật tăng trưởng…, cơ quan Hải quan đã đưa ra những ước tính về kết quả XNK trong tháng 9 vừa qua.
Theo đó, tháng 9, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với tháng trước (tháng 8/2018). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 20,5 tỷ USD, giảm 12,7% và trị giá nhập khẩu ước đạt 19,8 tỷ USD, giảm 7%. Như vậy, lũy kế hết tháng 9, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt 352,43 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu 178,91 tỷ USD, tăng 15,4%, nhập khẩu 173,52 tỷ USD, tăng 11,8%.
Đặc biệt, cán cân thương mại tháng 9 ước tính tiếp tục thặng dư với con số 700 triệu USD, qua đó, đưa mức thặng dư của Việt Nam đến hết tháng 9 đạt 5,39 tỷ USD. Theo quan sát của phóng viên, đây là mức thặng dư cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong vòng 5 năm qua (2014-2018), có 3 năm tính đến tháng 9 Việt Nam xuất siêu, 2 năm còn lại là năm 2016 xuất siêu 3,029 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 2,628 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2015 nhập siêu tới 3,639 tỷ USD và năm 2017 vừa qua nhập siêu gần 120 triệu USD. Nhìn vào kết quả này có thể thấy, kim ngạch xuất siêu đạt được 9 tháng qua là con số vượt trội so với các năm còn lại.
Xuất khẩu của doanh nghiệp nội cao hơn khối FDI
Dù khối doanh nghiệp FDI đang duy trì được ưu thế trong hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên, điểm đáng mừng thời gian qua là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cao hơn doanh nghiệp FDI.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan đến 15/9, tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 118,81 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 16,78 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017 và chiếm 70,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt gần 50 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ 2017.
Tháng 9 vừa qua, có 9/10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta có dấu hiệu sụt giảm kim ngạch. Tuy nhiên, nếu tính chung trong 9 tháng, hầu hết nhóm hàng xuất khẩu lớn vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, trong đó có nhiều nhóm hàng tăng ở mức 2 con số. Cụ thể, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,5 tỷ USD trong tháng 9, giảm 12,8% so với tháng trước. Ước tính hết tháng 9, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 36,13 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng dệt may ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng trước và nâng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 9 tháng lên 22,56 tỷ USD, tăng 17,1%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch trong 9 tháng đạt gần 21,65 tỷ USD, tăng 16,7%.
Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 18% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch trong 9 tháng lên 12,1 tỷ USD, tăng 28,7%.
Giày dép ước đạt đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng lên 11,77 tỷ USD, tăng 10,5%...
Dầu thô là mặt hàng duy nhất trong top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất có kim ngạch trong tháng 9 được dự báo tăng so với tháng 8/2018. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 375 nghìn tấn, tăng nhẹ 1,8% so với tháng trước và trị giá đạt 210 triệu USD, tăng 3,9%. Lũy kế trong 9 tháng sản lượng dầu thô xuất khẩu cả nước ước đạt 2,97 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,67 tỷ USD, giảm 45,2% về lượng và giảm 24,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Với tổng kim ngạch 127,29 tỷ USD, 10 nhóm hàng chủ lực đóng góp tới hơn 71% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị giảm
Ở lĩnh vực nhập khẩu, so với cùng kỳ 2017, số lượng nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên không thay đổi vẫn duy trì con số 3 tính hết tháng 9. Tuy nhiên, đang chú ý máy móc, thiết bị có kim ngạch giảm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, ước tính cả nước có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch nhập khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước (tháng 8/2018), qua đó nâng tổng kim ngạch hết tháng 9 lên 31,09 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước, ước hết tháng 9, đạt 24,63 tỷ USD, giảm 3,5%. Đây là nhóm hàng duy nhất trong 3 nhóm hàng xuất lớn nhất có kim ngạch giảm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị theo chiều hưởng giảm so với năm 2017, bởi năm ngoái Công ty Samsung Display đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án mở rộng tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh).
Dự án có tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, qua đó nâng tổng vốn của Samsung Display lên 6,5 tỷ USD. Để phục vụ việc mở rộng dự án nên năm ngoái Samsung nhập một lượng máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc.
Nhóm hàng “10 tỷ USD” thứ 3 là điện thoại các loại và linh kiện. Tháng 9, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch hết tháng 9 lên 11,09 tỷ USD, tăng 2%.
Một số nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải với trị giá kim ngạch hết tháng 9 ước đạt 9,39 tỷ USD, tăng 13,5%; sắt thép các loại ước đạt 10,39 triệu tấn, giảm 9,5% và trị giá 7,56 tỷ USD, tăng 12,2%; chất dẻo nguyên liệu ước đạt 4,03 triệu tấn, trị giá là 6,6 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá...
Trong lĩnh vực nhập khẩu, mặt hàng đáng chú ý là xăng dầu các loại tiếp tục xu hướng giảm với sản lượng ước đạt 700 nghìn tấn, giảm 9,8% so với tháng trước và trị giá 503 triệu USD, giảm 4,1%. Hết tháng 9 tháng ước đạt 9,33 triệu tấn, trị giá 6,24 tỷ USD, giảm 2,1% về lượng và tăng 23,9% về trị giá. Nhóm hàng xăng dầu được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới khi doanh nghiệp chuyển sang tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.