background

Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ: Ưu tiên những thị trường trọng điểm

Chủ nhật - 10/06/2018 14:11
Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ đang có bước phát triển đáng khích lệ. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt khoảng 2,065 triệu USD và ước tính năm 2017 mức kim ngạch xuất khẩu cũng đã đạt khoảng 2,541 triệu USD. 
Chưa tạo dấu ấn rõ nét

Hàng thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả… Ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước.
Hầu hết tại các làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ chủ yếu tồn tại 2 mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đó là sản xuất theo đơn đặt hàng mà mẫu mã do khách hàng cung cấp; hoặc tự sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo theo mô típ truyền thống. Sự sáng tạo của các nghệ nhân cũng phải bám theo nhu cầu này và liên tục phải có những mẫu mã, kiểu dáng mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Bàn về chuỗi giá trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có thể thấy sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị về cơ bản vẫn chỉ là những khâu đầu tiên và phần giá trị tăng thêm vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp phân phối. Hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất thông qua các hộ gia đình, trừ một số sản phẩm thủ công mang tính phức tạp cao và sử dụng công nghệ hiện đại phải nhập khẩu máy móc và một ít nguyên liệu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ đang phải đối mặt với nhiều trở ngại xuất phát từ cơ cấu như sự yếu kém trong sản xuất, hệ thống hỗ trợ ngành chưa hiệu quả (kể cả nguyên liệu, vật liệu sơn phủ, phụ kiện…), đặc biệt là khâu thiết kế mẫu mã vẫn rất hạn chế, không có nhiều tiến bộ trong đổi mới sản phẩm hay quy mô sản phẩm còn hạn hẹp…

Tập trung vào ba thị trường trọng tâm

Mặc dù hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn là Mỹ (Khoảng 34%), Nhật (khoảng 11%), EU ( Đức khoảng 8%, Pháp khoảng 5%...). Tiềm năng ở ba thị trường này rất lớn vì hiện nay, tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào khu nực này hiện mới chỉ chiếm khoảng 1,5% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ, 1,7% của Nhật Bản và 5,4% của EU. 

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp và lưu ý trong tiếp cận ba thị trường mục tiêu của ngành thủ công mỹ nghệ. Đối với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp nên tìm đến các kênh phân phối riêng bởi các đối tượng khách hàng này luôn tìm kiếm những mặt hàng thực sự đặc biệt để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp cần ăng cường phát triển mẫu mã, quan tâm nhiều đến tính thực dụng của sản phẩm song hành với tính trang trí.

Thị trường Nhật Bản có nhiều đòi hỏi khắt khe những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tính an toàn, vệ sinh, không được xem nhẹ giá trị sử dụng của sản phẩm, mặc dù vấn đề văn hoá và thẩm mỹ luôn được đặt ra rất cao. Lưu ý về chính sách giá vì người Nhật Bản thường quan niệm “hàng rẻ là hàng kém chất lượng”, họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt.

Yếu tố rất quan trọng với thị trường EU là dịch vụ trong cung ứng xuất khẩu (thời hạn giao hàng, chủng loại và các cam kết chất lượng, các vấn đề hậu cần…) chứ không chỉ là chất lượng thực dụng và giá cả của sản phẩm, cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, các vấn đề bảo vệ môi trường đối với những nhóm sản phẩm liên quan khi xuất khẩu vào thị trường EU. Tính cá biệt của sản phẩm luôn là lợi thế cạnh tranh tốt. 

Việc nghiên cứu thị hiếu của khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài đòi hỏi công sức và kinh phí rất lớn, nên bài học rút ra là nên tập trung có chọn lọc tham gia các hội chợ, triển lãm uy tín, thực hiện tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài thông qua việc khảo sát, quan sát cách thức mua sắm của khách hàng ngay tạ các điểm du lịch nổi tiếng mà khách hàng nước ngoài thường xuyên đến tham quan (như ở Hà Nội, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Huế, thành phố Hồ Chí Minh…)...

Các doanh nghiệp nên đặc biệt khai thác mạnh việc giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua mạng internet. Tập trung giới thiệu những giá trị và lợi ích của sản phẩm như những giá trị văn hoá, truyền thống kết tinh trong từng sản phẩm thay vì chỉ giới thiệu về hình dáng, kích thước và nguyên liệu của sản phẩm thủ công mỹ nghệ. 

Hương Ly

Nguồn tin: vccinews

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
  • Logo 1
  • Logo 2
  • Logo 3
  • PPL
  • Logo 5
Hotline: 0907 743 976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây